NGẪM

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Dụng Cụ Trang Trí Bàn Trà, thiền trà, ấm tử sa, tất cả vể trà



 KỆ UỐNG TRÀ - CAO BÁ QUÁT -

ĐẠO TRÀ THUẦN TUÝ Ở VIỆT NAM

Bạn thường nghe nói Trà đạo Nhật Bản, Trà Đạo Trung Hoa, đôi khi bạn có thể không nghĩ Việt Nam cũng là một trong những cái nôi, một trong những phát tích đầu tiên của ngành trà thế giới, thậm chí đi trước ngành trà Nhật Bản một thâm niên rất dài.
Điều vô cùng đặc biệt là người Việt già trẻ lớn bé, nhà nhà uống trà, người người uống trà (chè), nhưng không một ai hô hoán xiển dương đạo lý gì, đạo trà ở Việt Nam cứ tự nhiên dung dị mà đi sâu vào nếp sống và tâm hồn.

Trà Việt cốt ở mùi vị, người Việt đạt tới trình độ thuần thục trong thưởng thức vị trà nguyên bản. Tương truyền khi Cao Bá Quát ngồi uống trà cùng Phan Sinh, đã làm ra bài "Vị minh tiểu kệ đồng Phan Sinh dạ toạ" . Vị minh là sự minh bạch cuả mùi vị, kệ rằng:

Chọn bạn đừng chọn vẻ ngoài
Vẻ ngoài che lấp bổn tâm
Uống trà không nên ướp hoa
Ướp hoa vị trà tắt ngấm.

Sáng sớm múc giếng khơi mát
Than mùn lửa nhỏ nhóm lò
Bụi trần không vương một hạt
Ta rửa bàn tay thơm tho...

Nếm mùi cốt nếm thực chất
Không cần phải thêm vị ngoài
Chớ vì tham chút phù phiếm
Dối lừa khứu giác ta hoài.

Áo chẳng sinh ra người đẹp
Thơ hay đừng để rườm rà
Kệ này ít lời ghi nhớ
Chứng quả ngay trên bàn trà!

Nguyên tác Hán nôm: Cao Bá Quát
Dịch thơ: Song Sa - Lục Vũ Thần Trà

Kể mà thương, người ta nói phú quý sinh lễ nghĩa, nhưng người Việt trải qua chiến tranh rồi chiến tranh, đói khổ không dứt, tổn thương không ngừng, lấy đâu ra quá nhiều nghi thức lý luận về đạo trà như nước người ta. Vậy nhưng mình tin là, từ nay về sau, đạo trà Việt Nam rồi sẽ nhanh chóng phát triển rực rỡ, xứng đáng với những gì vốn có thuộc về.

--------------------------

 
Học cách pha trà ngon qua 10 mẹo nhỏ cực hay • Trà shan tuyết cổ ...

TRONG NHÀ CÓ BÁU THÔI TÌM KIẾM...

        Trà là thức uống tinh vi bậc nhất trong cõi nhân sinh, tinh vi từ cách lấy nước, hái trà, pha trà cho tới thưởng trà. Trung Hoa có cả kho sách về trà, có bậc Tổ Trà, Thần Trà, Thánh Trà. Nhật Bản còn qua mặt Trung Hoa khi sáng tạo ra cả bảo tạng lý luận về trà, trà cụ, trà thất, trà đạo... vô cùng phức tạp.

       Còn ở Việt Nam, trà gắn liền với nền văn hoá, gắn liền với tâm hồn, nếp sống người Việt, dung dị giản đơn, bình thường cùng cực, thuần tuý tự nhiên. 

      Có câu chuyện kể rằng: Một vị vương gia nọ đón tiếp cố nhân trong trà thất. Vương gia là người tinh thông Trà Đạo, thấy bạn mình quê mùa không hiểu về trà thì đem lòng cảm thương, ông hết lòng hướng dẫn bạn pha trà đúng cách, ra sức giảng giải đạo lý quy tắc của trà cho bạn hiểu.


      Chủ nói say sưa. Khách ngồi chờ đợi. Khát quá không chiụ nổi, khách bèn tự tay rót lấy trà mà uống, cứ tự nhiên như không, chẳng theo một nghi thức nào, rồi vui vẻ bảo: " Ô hoá ra Trà Đạo là lý lẽ, cách thức lẫn luận giải nhỉ! Tôi lại cứ tưởng đạo của trà là khát thì uống thôi chứ..."

      Chủ nghe vậy ngớ người ra, hốt nhiên giác ngộ, thốt lên: "Ra vậy!

Pháp giới tựa mê cung
Ngược xuôi trăm đạo lý,
Ta quên điều dung dị
Vốn chỉ là ...tâm không!"



      Giáo lý, kinh thư giống như con thuyền lớn chở người sang bờ giác ngộ. Tiếc là, có rất nhiều người tiếc chiếc thuyền lớn, không chịu xuống bờ, nên cứ trôi mãi trong biển cả. Ngộ đạo tại lòng mình, không tại giáo lý. Báu vật ở trong tâm, nhưng người chỉ tìm kiếm mãi trong những cuốn kinh thư...



Chợt nhớ mấy câu thơ sau:

  "Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền..."
Trần Nhân Tông  

------------------------------------------------



Ấm tử sa là gì? Cách nhận biết ấm tử sa - Công Ty TNHH Gốm Sứ Minh ...
-------------------------------------------

HOÀ - KÍNH - THANH - TỊCH:
Ý ĐẠO HÀM CHỨA TRONG ẤM TỬ SA



HÒA - KÍNH - THANH - TỊCH là tứ tôn chỉ, tứ tinh thần cuả trà đạo, chúng ta sẽ cùng xem tinh thần đó được hàm chứa trong Ấm Tử Sa như thế nào.
HOÀ có nghĩa là hoà hợp, dung hoà, cũng có nghĩa là ôn hoà, hoà ái, chỉ sự tốt đẹp trong ứng xử giữa người với người; người với vật, với việc. Ấm Tử Sa là kết tinh cuả những quá trình dung hoà tuyệt đỉnh: sự hoà hợp cuả trầm tích và khoáng chất tạo nên đất tử sa (tử sa có nghĩa là cát màu tím); sự hoà hợp cuả tâm hồn nghệ nhân và tâm hồn cuả đất tạo nên hình ấm; sự hoà hợp cuả khoáng chất vi lượng trong tử sa và nước trà tạo nên mùi vị riêng biệt, trường tồn, có một không hai...
KÍNH có nghĩa là tôn trọng, tôn kính, là lòng biết ơn, sự tri ân. Có tôn kính thì tất biết khiêm nhường. Có tri ân thì tất biết báo đáp. Ấm Tử Sa trầm mặc, khiêm hạ, không tráng men cũng không cần thiết hoa văn kiểu dáng cầu kỳ. Hầu hết Ấm Tử Sa đơn giản, tinh tế, vừa tay, phục vụ triệt để cho mục đích pha trà và cho ra nước trà thật ngon...
THANH có nghĩa là thanh tịnh. Khi lòng tôn kính đạt tới vạn vật không phân biệt, vạn sự không chấp mắc thì tâm tư thanh thản, yên tĩnh, ko động loạn. Ấm Tử Sa tĩnh đến lạ kỳ, không ai biết trong lòng ấm đang nóng sôi ra sao, ngoài ấm vẫn có thể mát lành, trong nóng mà ngoài lạnh. Trái tim thì vô cùng ấm áp nhưng lý trí lại rất đỗi tỉnh táo, thấu suốt, an nhiên...
TỊCH : Ôn hoà sinh tôn kính, tôn kính sinh thanh tịnh, thanh tịnh sinh tịch tĩnh. Chữ Tịch thâm diệu vô cùng ( tịch diệt, viên tịch...), Tịch là cảnh giới viên mãn, thấu triệt nhân sinh, làm chủ luân hồi, viễn ly sanh tử. Ấm Tử Sa tịch ở chỗ trong khi mọi vật dụng càng dùng càng cũ kĩ, thì nó càng dùng càng bóng sáng đẹp đẽ bội phần. Vượt qua lẽ thường, Ấm Tử Sa càng ngấm nước trà càng nhuận sắc, càng ủ vị trà càng lưu hương...


ẤM TỬ SA THẠCH BIỀU THIỀN NGỘ HỒ - ấm trà tử sa Nghi Hưng | Shopee ...

NHẤT THUỶ - NHÌ TRÀ - TAM PHA - TỨ BÌNH

- NGŨ QUẦN ANH


Cổ nhân cho rằng: "Lưỡng cú tam niên đắc / Nhất ngâm song lệ lưu (Trải qua ba năm mới đắc được hai câu thơ, nhưng khi ngâm lên khiến người phải sa hai hàng lệ)". Đạo làm thơ như vậy, đạo làm người cũng vậy, đạo pha trà cũng không khác, cốt tuỷ ở công phu:

1. NHẤT THUỶ: công phu đầu tiên là chọn nước. Nước là bạn chí cốt cuả trà (trà hữu), ngoài nước tuyết tan, nước mưa, nước từ sương sớm, thì khuôn vàng thước ngọc để chọn nước pha trà được Lục Vũ Trà sư đúc kết trong Trà Kinh rằng:" sơn thuỷ thượng, giang thuỷ trung, tỉnh thuỷ hạ (suối đầu nguồn, nước giữa sông, giếng trên núi). Nước trà chủ thanh khiết, tự nhiên, thì vị trà không bị ô nhiễm.

2. NHÌ TRÀ: công phu thứ hai là chọn trà. Trà ngon phụ thuộc vào loại trà, thời điểm hái, khí hậu thổ nhưỡng đất trồng, cách bảo quản và cả bàn tay người chế biến...
3. TAM PHA: công phu thứ ba là cách pha trà. Chuẩn mực cuả cách thức pha trà đã được Tổ trà Lục Vũ nói đến trong Trà Kinh. Ngoài ra, mỗi loại trà cần một nhiệt độ, một cách dùng, một thời điểm uống khác nhau, đòi hỏi sự để tâm và "có đạo" cuả khách trà.
4. TỨ BÌNH: công phu thứ tư là chọn ấm trà. Có câu " Thứ nhất Thế Đức Gan Gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần ", đều chỉ về những chiếc ấm làm bằng đất tử sa - vua ấm trong các loại ấm đất.
5. NGŨ QUẦN ANH: thứ năm, là công phu hay có lẽ là phúc phần, đó là bạn trà. Người xưa nói, vẫn cùng một loại trà, nhưng không phải tri âm thì không còn hương vị cũ nữa.
Người có biết, pha trà cũng như luyện trí, dưỡng tâm, không thể không có lòng, không thể không có đạo...
Sưu tầm



.