NGẪM

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Học làm người là việc học suốt đời, không bao giờ tốt nghiệp




1. Thứ nhất, “học nhận lỗi”.
Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một lỗi lầm lớn.

2. Thứ hai, “học nhu hòa”.
Răng người ta rất cứng, lưỡi người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì đời con người ta mới có thể tồn tại lâu dài được.

3. Thứ ba, " học nhẫn nhục”.
Thế gian này nếu nhẫn được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao. Nhẫn, vạn sự được tiêu trừ. Nhẫn chính là biết xử sự, biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không.

4. Thứ tư, “học thấu hiểu”.
Thiếu thấu hiểu nhau sẽ nảy sinh những thị phi, tranh chấp, hiểu lầm.Mọi người nên thấu hiểu thông cảm lẫn nhau, để giúp đỡ lẫn nhau. Không thông cảm lẫn nhau làm sao có thể hòa bình được?

5. Thứ năm, “học buông bỏ”.
Cuộc đời như một chiếc vali, lúc cần thì xách lên, không cần dùng nữa thì đặt nó xuống, lúc cần đặt xuống thì lại không đặt xuống, giống như kéo một túi hành lý nặng nề không tự tại chút nào cả. Năm tháng cuộc đời có hạn, biết buông bỏ thì mới tự tại được!


6. Thứ sáu, “học cảm động”.
Cảm động là tâm thương yêu, tâm Bồ tát, tâm Bồ đề; trong cuộc đời mấy mươi năm của tôi, có rất nhiều câu chuyện, nhiều lời nói làm tôi cảm động, cho nên tôi cũng rất nỗ lực tìm cách làm cho người khác cảm động.

7. Thứ bảy, “học sinh tồn”.
Để sinh tồn, chúng ta phải duy trì bảo vệ thân thể khỏe mạnh; thân thể khỏe mạnh không những có lợi cho bản thân, mà còn làm cho gia đình, bạn bè yên tâm, cho nên đó cũng là hành vi hiếu đễ với người thân.


Tất cả chân lý đều ở trong cuộc sống này, khi sống với tham sân si thì đó là luân hồi đau khổ, khi đoạn tận tham sân si thì đó là Niết-bàn tịch tịnh. Vậy bài học là thấy ra đâu là đau khổ, đâu là Niết-bàn và nguyên nhân của nó ngay trong chính mình và cuộc sống chứ không phải cố gắng cho những ảo tưởng ở tương lai… Lắng nghe, quan sát lại chính mình trong tương giao với cuộc sống, sẽ thấy ra (vipassati) mọi chân lý mà chư Phật đã chứng ngộ.
“ Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của đàn bà là phẩn nộ. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy. Sức mạnh của kẻ ngu là áp đảo. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát. Sức mạnh của sa môn là nhẫn nhịn.”

Phần lớn chúng ta khổ vì muốn được thường, lạc, ngã mà không thấy vô thường, khổ, vô ngã trong vạn pháp. Trong vô thường mà muốn thường hằng, trong khổ đau mà muốn hạnh phúc, trong vô ngã mà muốn đó là ta, của ta và tự ngã của ta: Đây được gọi là những điên đảo tưởng.
Mọi sự mọi vật do duyên sinh đều có biến đổi, có thành hoại, có sinh diêt. Do đó ai muốn chúng thường còn thì tự chuốc lấy khổ đau. Ví dụ như hoa Mai có nở có tàn nhưng ai muốn hoa Mai nở mãi không tàn thì sẽ khổ đau thất vọng .
Mọi sự mọi vật do ái dục + vô minh, tức tham-sân + si chi phối trong các hành động tạo tác mà đưa đến sầu khổ. Ví dụ như đời người có sinh, già, đau, chết nhưng ai tham sống sợ chết thì sẽ khổ đau phiền muộn.
Mọi sự mọi vật vốn vận hành theo quy luật tự nhiên của chúng, còn ý niệm “ta, của ta, tự ngã của ta” được gán ghép vào đó chỉ là ảo tưởng. Và chính ảo tưởng này đem lại khổ sầu. Ví dụ như mắt thấy mà cho là “ta thấy”, tai nghe mà cho là “ta nghe”… rồi “đây là con ta”, “đây là tài sản của ta”… nên mới khổ.



Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới chung quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng từ bi và tâm trí huệ”
“Ra đời hai tay trắng.
Lìa đời trắng hai tay.
Sao mãi nhặt cho đầy.
Túi đời như mây bay”.
Hãy thành thật đối diện với mâu thuẫn và khuyết điểm trong tâm mình, đừng lừa dối chính mình.

Thiên Đàng, Cực Lạc, chỉ là cách gọi tên thôi. Phật giáo, Thiên Chúa giáo chỉ là hệ thống tổ chức Tôn giáo và Giáo lý thôi. Trên thực tế Chân Lý vẫn là một đối với người đã giác ngộ. Giống như người miền Trung gọi là củ sắn thì người miền Nam gọi là củ mì, còn người nào ăn củ đó rồi thì mới thấy chỉ là một củ thôi …
Khi còn tranh cãi nhau về cách lập ngôn hay còn chấp giữ hệ thống lý thuyết riêng của mình thì vẫn còn chưa thấy Chân Lý… Chính ý niệm của con người chia cắt manh mún Sự Thật thành cái của tôi và của anh mà thôi.

Sự khác biệt giữa con người là do mức tiến hóa khác nhau qua các kiếp sống. Có khi nào ta thù ghét một kẻ kém ta? Nhận thức rằng “ Vạn vật đồng nhất ”, ta sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác, vì họ không hiểu biết, không ý thức hành động của mình, vả lại họ và ta nào có khác nhau đâu. Khi ta hiểu rằng vạn vật như chính mình, từ loài người qua loài thú, thảo mộc, kim thạch, và ý thức rằng mọi vật đều có sự sống, đều có Thượng đế ngự ở trong, ta sẽ cởi bỏ thành kiến, mở rộng lòng thương đến muôn loài.

Có hai cách biết: Một là cái biết thực tính (paramattha), hai là cái biết chế định (paññatti) với khái niệm.
Khi biết thực tính thì không qua khái niệm và không phản ứng tạo tác (không làm: vô vi, hoặc làm mà không tạo tác: duy tác).
Khi biết chế định với khái niệm thì có hai cách: Một là làm thiện theo nhu cầu cần thiết, hai là làm bất thiện theo tà kiến và tham ái.
Vì vậy, thấy biết chân thật là chính, còn làm hay không là một động lực tất yếu từ sự thấy biết này.

“Sống với đạo Phật:
- Nếu không nói được những gì Phật nói, hãy im lặng như chánh pháp; đừng nói những lời ác, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, làm tổn hại kẻ khác.
- Nếu không làm được những gì Phật làm, hãy im lặng và lắng nghe, quán sát, học hỏi những thiện tri thức; đừng vọng động làm những điều thương tổn đến tha nhân”.
Trí tuệ không để bản ngã xen vào (= chấp thủ của các tư kiến) sự vận hành của các Pháp được gọi là Minh. Chỉ có Minh mới chấm dứt được toàn bộ tiến trình của bản ngã trói buộc con người, làm cho con người bị động trong vòng luân hồi sinh tử.

“Ác khẩu, mãi mãi đừng để nó thốt ra từ miệng chúng ta, cho dù người ta có xấu bao nhiêu, có ác bao nhiêu.
- Anh càng nguyền rủa họ, tâm anh càng bị nhiễm ô.
- Anh hãy nghĩ, họ chính là thiện tri thức của anh”.

– Trong lành là tuyệt đỉnh của Giới.
– Tĩnh lặng là tuyệt đỉnh của Định.
– Sáng suốt là tuyệt đỉnh của Tuệ.
Thực ra, chỉ có buông xả mới đạt được tuyệt đỉnh của Giới Định Tuệ mà thôi…
“Người mà trong tâm chứa đầy cách nghĩ và cách nhìn của mình thì sẽ không bao giờ nghe được tiếng lòng người khác.
Ví như trong tay anh nắm chặt một vật gì mà không buông xuống, thì anh chỉ có mỗi thứ ấy, nếu anh chịu buông xuống, thì anh mới có cơ hội chọn lựa những thứ khác.
Vì thế, nếu một người luôn khư khư với quan niệm của mình, không chịu buông xuống thì trí tuệ chỉ có thể đạt đến ở một mức độ nào đó mà thôi.”


Hãy tin vào tất cả nhưng cũng đừng tin vào điều gì cả, hay nói chính xác hơn là đừng bám víu vào bất cứ điều gì. Tin vào mọi sự, mọi người, mọi vật… vì tất cả điều gì đến với mình đều có nhân duyên với mình, đều là bài học giúp mình học ra cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, cái chân cái giả…
Do đó phải biết ơn và phải học cho thật nhiệt tình, tận tâm và chuyên chú… chứ không nên chểnh mảng.
Nhưng phải cẩn thận, đừng bám víu vào điều gì, vì bám víu là dính mắc, dính mắc là trói buộc, trói buộc là đau khổ, là không còn thong dong tự tại…

“Hạnh phúc không phải là thứ có sẵn, Nó đến từ chính hành động của bạn.. .
(Đạt Lai Lạt Ma)
Sưu tầm từ internet

12 nhận xét:

  1. Lần đầu ghé thăm, nhà em thật đẹp với tiếng nhạc du dương.
    Cám ơn em đã chia sẻ bài viết rât hay và ý nghĩa.
    Chúc em cuối tuần vui vẻ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em cảm ơn chị! Em chúc chị luôn vui khỏe ạ!

      Xóa
  2. Hiện có ba Vị mà anh thường đọc và học hỏi:Đức Đạt Lai Lạt Ma,Thầy Thích Nhất Hạnh và Thiền Sư Thích Viên Minh.Thường các vị khi giảng pháp luôn chú trọng về mặt thực tiễn,nên giúp cho mọi người thay đổi nhận thức và sống an lành ngay trong cuộc sống hàng ngày.Vi dụ,như nói về tính chất vô thường của vạn pháp,ít dông dài về mặt thuyết lý,khái niệm;hướng dẫn mọi người thực hành ngay phép Quán Vô Thường để tiếp xúc với mọi diễn biến trong tâm để nhận ra các pháp là dòng duyên sinh với các yếu tố tương hợp,không có một bản thể thường hằng bất biến,đồng nhất giữa hai thời điểm.Như vậy,chúng ta đã tiếp nhận được thực tánh,mà không cần bám víu lấy khái niệm....
    HĐ còn rất trẻ,thể hiện một khuynh hướng,một thiên lương như vậy,dù cuộc đời biến động này sẽ không thể tước mất được của em niềm an lạc trực ngộ...Chúc em thảnh thơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hèn gì mà anh biết nhiều đến vậy. Em thì học hỏi theo cách tu ở chùa và bổ sung thêm qua các hoạt động khác. Em chú ý làm theo lời dạy trong kinh, chú , các bài giảng pháp, thực tập thiền quán trong các hoạt động động,... Em cũng còn non nớt lắm, cần phải học rất nhiều nhiều. Vì còn phàm phu nên có lúc em cũng không tránh khỏi những thiếu sót trong cuộc sống. Cũng ráng rèn mình thêm thôi.
      Em cảm ơn anh đã chia sẻ ạ. Thế là có thể xem mình là bạn đạo rồi. Là Cư sĩ, mình gắng luôn tinh tấn nha anh! Em chúc anh thân tâm thường lạc ạ!

      Xóa
  3. Lần đầu thăm bạn, được đọc một bài thật sâu sắc. Cám ơn bạn đã sưu tầm về

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em cảm ơn chị đã chia sẻ ạ! Em chúc chị đêm an lành, ngủ ngon nha chị! Thân Mến !

      Xóa
  4. Lần đầu tiên sang thăm Bạn chúc bạn cuối tuần vui vẻ bạn nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Dạ, em cảm ơn anh đã ghé thăm ạ! Em chúc anh luôn vui, khỏe và an lành ạ!

      Xóa
  5. Lòng thành thắp môt nén nhang
    Từ bi cửa Phật từ nay
    Tu tâm dưỡng đức sớm mai ngồi thiền
    Nâng niu trọ kiếp nhân duyên
    Bao nhiêu buồn giận ưu phiền bỏ qua...
    ........................
    chúc luôn vui khỏe

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sống vui, nhân ái, chan hòa
      Người người hạnh phúc nhà nhà bình yên.

      Em cảm ơn anh ạ! Em chúc anh buổi tối an lành nha!

      Xóa
  6. GT cần phải học thêm ở bạn nhìu lắm,từ nay rảnh giờ nào phải ghé nhà bạn,chúc an vui HĐMX nhé.Ôm thắm thiết bạn hiền cái nà. Thương

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình thì có gì hay đâu bạn. Mình có học hỏi ở bạn đó chứ, ngày nào mình cũng lén vào nhà bạn đó, hii.
      Mình cũng ôm bạn Gia Tuệ dễ thương cái nè. Thương.

      Xóa