NGẪM

Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2024

CHUYẾN ĐI ĐẦY Ý NGHĨA


Bùi Đình Thức (trái) và Phạm Đức Hiệp (phải) mặc quần áo bộ đội, đi bộ xuyên Việt từ Nam ra Bắc

Trong khi những người trẻ khác thích đi du lịch, khám phá nhiều nơi để giải trí, chụp ảnh, sống ảo, vui chơi, thưởng thức ẩm thực, ...thì hai chàng trẻ này lại chọn hành trình xuyên Việt với mục đích thật đặc biệt. Hành trình đó được 2 bạn chia sẻ trên Tiktok, Youtube, Facebook,...

http://www.youtube.com/@buiidinhthuc

        


Nếu như dự định trước kia là hành quân theo chiều từ Bắc vào Nam như thế hệ trước, cũng thuận tiện đường đi, nhưng chỉ vì lý do muốn kịp có mặt tại dinh Độc Lập đúng vào ngày thống nhất đất nước mà hai chàng trai cùng tuổi, cùng quê và từng là lính công binh đã quyết định đảo chiều và "hành quân" từ Nam ra hướng Bắc.

      Trong trang phục màu xanh áo lính, nước da ngăm đen sau hơn một tháng đi bộ dưới thời tiết nắng nóng những ngày gần đây, cả Thức và Hiệp đều cho biết những gì mình trải qua đúng kỳ vọng và thu lại những trải nghiệm cực đáng giá.Giải thích về lý do mặc quần áo bộ đội đi xuyên Việt, Thức kể tháng 2/2020 đi nghĩa vụ quân sự, trở thành lính công binh đóng quân ở Thường Tín, Hà Nội. Trải qua những ngày huấn luyện khắc nghiệt, anh thấy tò mò về hành trình leo rừng, lội suối, vượt mưa bom, bão đạn của bộ đội thời chiến. Chàng trai ấp ủ ý định tái hiện lại cuộc hành quân đến những nơi thế hệ cha ông từng đi và thăm chiến trường xưa. Kế hoạch được đồng đội Phạm Đức Hiệp, chàng trai cùng tuổi, cùng quê và cũng từng là lính công binh hưởng ứng, ngỏ ý cùng tham gia.

       Trải qua ngày tháng huấn luyện khắc nghiệt trong môi trường quân đội, cả hai vẫn chưa thấy đủ, vẫn thấy tò mò về hành trình trèo đèo lội suối, vượt qua mọi khó khăn gian khổ của những người lính Cụ Hồ ngày trước nên quyết tâm thực hiện chuyến đi này.

        Những quân trang còn giữ lại sau khi đi nghĩa vụ như mũ cối, chăn màn, tăng võng, giày, dép nhựa, áo mưa được cả hai tận dụng.

        "Ban đầu chúng tôi định thực hiện chuyến đi vào cuối năm 2022 ngay sau khi xuất ngũ, nhưng vì vài lý do cá nhân nên đành lùi lại. Trong quá trình chuẩn bị tốt nhất cho chuyến đi, cả hai đã có một chế độ ăn uống, rèn luyện sức khỏe khoa học. Ngoài ra chúng tôi còn học thêm các kỹ năng về sơ cấp cứu cơ bản để lỡ may có gặp sự cố còn kịp thời xử lý", Thức chia sẻ.

Đình Thức và Đức Hiệp tại điểm cuối Cà Mau của đường mòn Hồ Chí Minh, chuẩn bị hành trình đi bộ xuyên Việt, đầu tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đình Thức và Đức Hiệp tại điểm cuối Cà Mau của đường mòn Hồ Chí Minh, chuẩn bị hành trình đi bộ xuyên Việt, ngày 3/3/2024

      Thức nói mới trải qua một tháng nhưng hai người đã không nhớ nổi mình đã ghé qua bao nhiêu nghĩa trang liệt sĩ. Ấn tượng mạnh nhất với họ là nghĩa trang tỉnh Bạc Liêu với hơn 4.000 ngôi mộ. Khi nghe họ trình bày nguyện vọng muốn vào thắp hương, người quản trang đã rất lo ngại hai thanh niên không thể làm xuể. Nhưng sau ba tiếng kiên trì, họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

    "Bác tôi là liệt sĩ, phần mộ nằm ở Tây Ninh, nên mong muốn lớn nhất của gia đình là có ngày được thắp hương trực tiếp nhưng chưa thể thực hiện. Hiểu mong muốn đó, tôi muốn thay các gia đình ở xa gửi tấm lòng đến các liệt sĩ", Thức kể.

     Trong một tháng hành quân, Thức và Hiệp cũng nhiều lần dừng lại hỗ trợ người dân làm ruộng, phát hoang cây dại hay chở đồ nặng. Mỗi khi vào các gia đình xin đi tắm nhờ, thấy chủ nhà chưa giặt quần áo, rửa bát họ cũng chủ động làm giúp. Dọc đường gặp những người làm việc dưới thời tiết nắng gắt, cả hai dừng lại tặng nước, đồ ăn rồi mới tiếp tục hành trình.

     Thống nhất vừa hành quân vừa làm thêm để lấy kinh phí đi đường nhưng đến nay họ mới có hai ngày làm phục vụ tại một quán cà phê ở tỉnh Bạc Liêu. Với các tỉnh còn lại, do di chuyển theo lịch trình, họ chưa tìm được việc làm phù hợp. Để tiết kiệm Thức và Hiệp chủ yếu ăn lương khô, ngủ trên võng hoặc được người dân địa phương cho ngủ nhờ qua đêm.

    Như tối muộn ngày 5/3, ông Son, 70 tuổi ở Cà Mau mời hai thanh niên mặc quần áo bộ đội vào nhà nghỉ ngơi, ăn uống khi nghe về hành trình xuyên Việt của họ. "Biết hai cháu từng đi nghĩa vụ, hiểu được mục đích của hành trình nên tôi thấy thương, muốn giúp đỡ. Mình không có tiền nhưng có đồ ăn, chỗ ngủ", ông Son kể.

Thức và Hiệp nhận nước uống từ một người đi đường ở Cà Mâu trong hành trình đi bộ xuyên Việt, tháng 3/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Thức và Hiệp nhận nước uống từ một người đi đường ở Cà Mau trong hành trình đi bộ xuyên Việt, tháng 3/2024

    Các video hành quân được chàng trai chia sẻ lên trang cá nhân thu hút hàng triệu lượt yêu thích và bình luận. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ về hành trình dám nghĩ dám làm. Họ cũng chờ đón Thức và Hiệp trên đường để tặng nước, đồ ăn.

     Anh Lê Thanh Sang, 41 tuổi, ở xã Tân Phong, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, bắt đầu theo dõi hành trình xuyên Việt của hai chàng trai mặc đồ bộ đội từ giữa tháng 3. Từng đi nghĩa vụ, hiểu khó khăn trong quá trình hành quân nên biết tin Thức và Hiệp làm thêm tại một quán cà phê ở Bạc Liêu, anh liền tìm gặp.

      "Hai bạn còn trẻ nhưng lại có ý chí, nghị lực kiên cường, sống không phụ thuộc, dựa dẫm nên tôi thấy khâm phục, muốn được nghe thêm về hành trình bên ngoài các clip. Bản thân tôi cũng muốn chia sẻ đôi điều với tư cách là thế hệ đi trước, giúp hành trình của hai bạn ấy trở nên trọn vẹn", anh Sang nói.

     Suốt hành trình di chuyển, Thức và Hiệp cũng từng bị dân quân tự vệ địa phương yêu cầu kiểm tra. Khi trình giấy tờ xuất ngũ, thông tin cá nhân và trình bày về mục đích của chuyến đi, hai chàng trai lại được mọi người khen ngợi, hỗ trợ nhiệt tình.

      Có lần đang trên đường từ Cà Mau đi Bạc Liêu, hai anh gặp một vị chỉ huy quân đội đang đi công tác dừng ôtô hỏi chuyện, ngỏ ý cho đi nhờ. Họ cảm ơn và từ chối vì quyết tâm thực hiện chuyến đi bằng đôi chân của mình. Nghe chia sẻ về hành trình, người này động viên hai cấp dưới dù đã xuất ngũ cố gắng hoàn thành mục tiêu.

      Một tháng đi bộ, Thức và Hiệp nói đã quen với cường độ di chuyển, cơ thể không còn đau nhức. Càng đi họ càng hiểu "chỉ cần quyết tâm, kiên trì, bền bỉ ắt đạt được mục tiêu".

      Sau khi rời Bến Tre, hai chàng trai tiếp tục qua Long An, Tiền Giang và đặt mục tiêu đến TP Hồ Chí Minh đúng kế hoạch.

    "Còn gì tự hào hơn khi khoác trên mình màu xanh áo lính đến Dinh Độc Lập, đứng nghiêm trang dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong ngày Thống nhất đất nước", Thức nói.


        Dọc đường, đến nghĩa trang liệt sĩ, cả hai đều dừng lại vào thắp hương. Gặp bà con đang lao động, họ lại xắn tay áo vào làm làm giúp. Họ xin việc làm dọc đường để có thêm kinh phí cho chuyến đi.

        Điểm dừng chân cuối cùng của cả hai sẽ là điểm cực Bắc của Tổ quốc. Dự kiến chuyến đi sẽ hoàn thành vào đầu năm 2025. Càng đi càng hừng hực khí thế, không có ý định bỏ cuộc - đó là tâm trạng của Thức và Hiệp ngay thời điểm này.

SƯU TẦM TRÊN INTERNET, YOUTUBE

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét