NGẪM

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Về quê

 






Có một nhạc sĩ thường hay lui tới Ðoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh (nay là Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh), trong câu chuyện tâm tình một lần Nghệ sĩ Nhân dân  Thúy Cải thân mật khuyên ông nên về quê cư ngụ. Lời khuyên chân tình của “liền chị quan họ” đã làm thức dậy trong ông những kí ức về một miền quê. Thế là “theo em anh thì về”, cái tứ ấy đã mở đầu tác phẩm “Về quê”, gửi gắm đến người đời một thông điệp giản dị: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu ?”.

Những năm giữa thập niên sáu mươi của thế kỷ trước, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc do đế quốc Mỹ gây ra, bước vào giai đoạn ác liệt nhất, Trường nhạc sơ tán về miền Kinh Bắc, nơi mà “một làn nắng cũng mang điệu dân ca’’! Sống, học tập và tiếp xúc với những “cô Tấm ngày nay”, “tay súng, tay cày, đảm đang việc nước, việc nhà, nắng mưa nhọc nhằn vẫn tươi duyên” đã làm cho chàng sinh viên Phó Đức Phương dạt dào cảm hứng âm nhạc, thôi thúc anh cầm bút. Bài hát “Những cô gái quan họ” ra đời đã gây ấn tượng trong công chúng và cả trong giới âm nhạc, được nhiều khán giả yêu thích và có sức sống lâu bền với thời gian. 


Cố Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Sau khi đã thành danh, ông có nhiều điều kiện gắn bó mật thiết với mảnh đất đã sinh ra người mẹ kính yêu. Những năm tháng thiếu thời trên quê ngoại (làng Thanh Hoài, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã đưa ông đến dòng sông quan họ, ở đó ông tha hồ ngụp lặn, thỏa thích vẫy vùng. Phải chăng đây chính là nguồn cội tạo nên một thương hiệu Phó Đức Phương “lãng mạn và huyền diệu”! Nhiều tác phẩm âm nhạc của Phó Đức Phương đều đầy ắp âm hưởng dân ca và sâu đậm hồn quê. Những năm đầu thời kỳ đất nước đổi mới, ông là tác giả âm nhạc vở Chuyện tình Tiên Du (đạo diễn Ngọc Phương), một vở thử nghiệm đưa dân ca quan họ lên sân khấu kịch, được nhiều người chú ý. Ông đã sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca và phối khí nhiều tiết mục dân ca quan họ cho các nghệ sĩ Đoàn dân ca Quan họ Bắc Ninh biểu diễn, nhiều tiết mục đã đoạt huy chương vàng tại các hội diễn toàn quốc, tiêu biểu là: Tay Tiên chúc chén rượu đào (NSND Thúy Cải), Lấy chi làm thú giải phiền (NSND Thúy Hường), Khóc bạn (NSƯT Quý Tráng), Nâng chén rượu nồng... Ông đã nhiều lần lặn lội đến các làng quan họ gốc, tiếp xúc với các nghệ nhân quan họ, đã từng cùng NSND Thúy Cải và “liền anh, liền chị” bồng bềnh trên con thuyền thúng, ngược dòng Như Nguyệt trong xanh, để rồi cho ra đời tác phẩm Ngược dòng sông quê đầy lãng mạn và huyền diệu!

Trong dịp Ngày Thơ Việt Nam 2006, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những văn nghệ sĩ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Ninh tặng quà kỷ niệm, do có những sáng tác về quê hương quan họ.

Là nhạc sĩ luôn đắm mình với đồng quê, với hồ xanh, núi biếc, sông dài, ông là tác giả của các tác phẩm nổi tiếng như: Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Âm vang sông Đà, Một thoáng hồ Tây, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, không thể và có thể, Khúc hát phiêu ly... khắc hoạ nên một giọng điệu khác lạ, mộc mạc và tài hoa, đậm đặc hương đồng, gió nội, da diết yêu thương, nặng lòng với người đời.

 

Phó Đức Phương vốn là sinh viên đại học, Khoa Toán, học giỏi nhưng đam mê âm nhạc, năm 22 tuổi ông bỏ đại học Khoa Toán, bắt đầu lập nghiệp và gắn bó cuộc đời với âm nhạc. Ông sống khiêm nhường, giản dị, chân thành nhưng sâu sắc, đằm thắm. Tâm hồn ông luôn hướng về vẻ đẹp của tâm hồn Việt và cảnh sắc thiên nhiên với núi non, sông nước bồng bềnh.

Trong lần về Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh, những ngày mới tái lập tỉnh (1997), NSND Thúy Cải (năm đó là NSƯT, Trưởng đoàn) thân mật khuyên ông nên về quê cư ngụ. Từ lâu, ông đã có ý tưởng phải viết một cái gì đó về làng quê, lời khuyên chân tình của “liền chị quan họ” đã làm thức dậy trong ông những kí ức về một miền quê, nơi có những triền đê, “những dòng sông bên lở, bên bồi”, nơi có “phiên chợ nghèo, lều tranh, mái xiêu”, nơi “cánh cò xưa tạc vào giấc mơ”, ở đó có bóng dáng của người chị, người mẹ, quanh năm dầu sương, dãi nắng, tảo tần, bầu bạn với bánh đa, bánh đúc, dệt nên những “thảo thơm, đồng xanh, trái ngọt”. Thế là “theo em anh thì về”, cái tứ ấy đã mở đầu tác phẩm Về quê. Ông tâm sự: “Tôi thấy tim mình nhói rộn lên một chút hồi hộp, bồn chồn. Tôi suy ngẫm, băn khoăn và dồn tụ dần những tình ý của mình cả trong bữa ăn, lúc làm việc hoặc chuyện trò...

Thật kỳ lạ, đêm hôm đó, tôi buông bút giữa bài hát để đứng dậy lấy chiếc khăn mặt bông, vì từ lúc đó nước mắt tôi cứ tuôn ra đầm đìa, sùi sụt. Thì ra nghệ thuật cũng như cuộc đời tôi vậy, sự mộc mạc, giản dị và chân thật tự đáy lòng sẽ khơi dậy những cội nguồn yêu thương, sự đồng cảm...”

Hình như chưa có bài hát nào ông viết ra mà lại khóc nhiều như thế. Ông vừa viết, vừa khóc. Khi hát cho anh chị em trong Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh nghe, ông cũng khóc, khi tập cho nghệ sĩ Quý Tráng (người đầu tiên biểu diễn bài hát này) ông cũng không kìm được nước mắt.

Với âm hưởng ngọt ngào, lắng đọng, lời ca mộc mạc, sâu đậm tình người, lung linh cảnh sắc làng quê, Về quê đã nhanh chóng được nhiều nghệ sĩ, ca sĩ biểu diễn và dành được sự đồng cảm, yêu mến của đông đảo công chúng yêu âm nhạc. NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền đã nhiều năm gắn bó với bài hát này.

Từ giai điệu đến ca từ, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã gửi gắm đến người đời một thông điệp giản dị như cuộc đời của ông: “Nơi bền lâu là nơi lắng sâu, thiếu quê hương ta về, ta về đâu ?”.

Bài, ảnh: Hồng Minh


BÀI HÁT "VỀ QUÊ"

Nhạc và lời: Cố nhạc sĩ Phó Đức Phương

Theo em anh thì về,
Theo em anh thì về thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê, có hàng tre ru khi chiều về

Ơi quê ta bánh đa bánh đúc,
Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt
Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ.

Ơi quê ta dầu sương dãi nắng,
Phiên chợ nghèo lều tranh mái xiêu
Kìa dáng ai như dáng chị, dáng mẹ tôi.

Đưa nhau ta thì về
Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi
Nơi sáo diều chơi vơi với dòng sông bên lở bên bồi.

Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen
Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi
Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi

Nước qua cầu thời gian trôi mau
Nơi bền lâu là nơi lắng sâu
Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?

Một chiều bưng bát cơm quê
Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dề…