NGẪM

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2024

Sáng suốt trước tác động của truyền thông đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam

     

       Có lẽ chưa bao giờ như lúc này Phật giáo Việt Nam đang phải đối diện với rất nhiều vấn nạn như: Vấn nạn truyền thông, vấn nạn thuyết giảng sai lạc và sự chia rẽ niềm tin Phật giáo, sự chống phá, chia rẽ cộng đồng Phật tử, sự triệt hạ uy tín Phật giáo. Cơn sóng ngầm ấy nó âm ỉ từ xưa cho đến tận hôm nay nhưng chắc chắn rằng đây là quãng thời gian mà cơn sóng thần và địa chấn lớn đánh thẳng vào Phật giáo bùng phát lớn mạnh như vậy.
 1.    Vấn nạn truyền thông

    Phật giáo nói chung hay tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tự viện, cá nhân chư Tăng Ni đã bị các thế lực đối lập, các tổ chức chống phá Phật giáo thậm chí chống phá thể chế chính trị tận dụng triệt để loại vũ khí lợi hại này.

    Cụ thể là phương pháp “vạch lá tìm sâu”, tìm kẽ hở những phát ngôn của chư Tôn đức Giáo hội và chư Tăng Ni, các vị giảng sư; tìm những hình ảnh tiêu cực từ Phật giáo để đăng tải có định hướng, nhằm truyền đạt thông tin đại chúng để phục vụ mục đích đánh phá, chia rẽ niềm tin, chia rẽ cộng đồng Phật tử, triệt hạ uy tín Phật giáo đã được đề ra.


2.    Vấn nạn thuyết giảng


    Gần đây xuất hiện một số vị giảng sư về chuẩn mực của phát ngôn khiếm nhã, mang tính bi hài, tính hù dọa về nhân quả làm trò cười cho thiên hạ, làm ảnh hưởng đến tính cao đẹp của Phật giáo, uy tín của Giáo hội và cộng đồng Tăng Ni. Chưa kể một số vị phát ngôn gây đụng chạm đến xã hội, đụng chạm đến tôn giáo khác, gây tổn thương cho các tổ chức và cá nhân.


3.    Hiện tượng “Sư Minh Tuệ”  


     Câu chuyện về “Sư Minh Tuệ” không dừng lại ở những ghi nhận đơn thuần về việc làm của một cá nhân, mà đã tạo ra những ấn tượng mạnh mẽ ở những người xem thấy hay nghe biết. Những ấn tượng đó là tích cực hay tiêu cực, tất nhiên là tùy thuộc vào sự hiểu biết và cảm nhận của mỗi người, không ai giống ai. Trong dư luận hiện có 3 luồng ý kiến về hiện tượng “Sư Minh Tuệ”: có ý kiến phản đối, chê trách; có ý kiến ngợi khen, tán thán và có ý kiến bày tỏ sự hoài nghi, không xác quyết.


 Từ hiện tượng “Minh Tuệ” và cái nhìn sai lạc về Phật giáo.


    Khi “Sư Minh Tuệ” thực hiện bộ hành đã nhiều có luồng ý kiến cho rằng người tu sĩ phải tập theo hạnh đầu đà mới là đúng tinh thần của Đức Phật, mới thành Phật và gọi “Sư Minh Tuệ” là “Phật Minh Tuệ”. Những ý kiến đó hoàn toàn không xác đáng. Vì sao? Trong các vị đại đệ tử của Phật, chỉ có ngài Ca-diếp là hành hạnh đầu đà. Các vị còn lại, ví dụ như ngài Ananda, ngài Upali, ngài Sariputra đều không hành hạnh đầu đà. Vậy các ngài có phải là chư Thánh Tăng hay không? Chư vị Tổ sư của chúng ta đâu phải ai cũng hành hạnh đầu đà? Các Tổ thuộc dòng thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Thảo Đường, Vô Ngôn Thông, Trúc Lâm Yên Tử, Lâm Tế, Tào Động, Liễu Quán… ít nhiều đều có trú xứ, trụ trì một hoặc một số ngôi tự viện. Vậy mà các ngài vẫn là những bậc giác ngộ đáng kính, pháp các ngài giảng vẫn là chân Phật pháp.

     Đạo Phật tuy không có giáo điều như các tôn giáo khác nhưng tinh thần khế lý khế cơ để phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của từng quốc độ là một điều cốt lõi để duy trì Phật giáo cho đến tận ngày nay. Khi du nhập vào Việt Nam, Phật giáo ít nhiều thay đổi để phát triển phù hợp căn tính của người dân nơi đây.

     Từ hiện tượng “Sư Minh Tuệ” dư luận xã hội đã phê phán chư Tăng ngày nay trụ tại chùa to Phật lớn không thực hành hạnh Đầu-đà như “Sư Minh Tuệ” là hoàn toàn vô căn cứ. Có người cho rằng Tăng Ni ngày nay ngồi mát ăn bát vàng…cùng rất nhiều lời miệt thị khác qua so sánh hiện tượng “Sư Minh Tuệ”. Chúng ta biết rằng ngay từ thời Đức Phật, ngài đã thọ nhận và cho phép Tăng đoàn sử dụng các ngôi tinh xá do các Quốc vương, các trưởng giả xây cất cúng dường. Câu chuyện ông Trưởng giả Cấp Cô Độc trải vàng mua đất xây dựng tinh xá Kỳ Viên để cúng dường Đức Phật và Tăng đoàn vẫn còn nguyên giá trị. Các tinh xá là nơi chư Thánh Tăng giảng pháp, tiếp nhận đồ chúng và tu tập. Theo dòng thời gian biến chuyển các đoàn du tăng phát triển cùng với những ngôi tự viện. Nếu không có các ngôi chùa, Tăng chúng ngày càng đông đảo không thể tu học, đặc biệt là ở những nơi ít rừng rậm như tại các thành phố. Không có Tăng chúng, không có giảng đường, không có cơ sở vật chất, Phật tử sẽ không nhận được pháp nhũ từ Tăng bảo. Như vậy có thể thấy ngoài mối quan hệ trong Tam Bảo, sự liên đới giữa bốn chúng đệ tử Phật là không thể tách rời trong ý nghĩa hoằng truyền Pháp của Phật. Thiết các điều kiện vật chất của thế gian cần được sử dụng để hỗ trợ Tam Bảo, duy trì đạo pháp để hướng con người đến con đường đạo đức là việc làm có ý nghĩa thiết thực.

     Chúng ta cần khẳng định rằng tu tập 13 pháp đầu đà là một trong nhiều phương pháp tu tập, ai thích hợp với phương pháp tu tập nào thì tu theo phương pháp ấy mà tu tập phải phù hợp hoàn cảnh thời đại. Cái gốc của đạo là tâm bồ đề, đích đến của đạo là thoát khổ, đường đi đến đạo nhanh hay chậm do công phu trì giới, tu định, chứng tuệ. Còn chấp lấy một phương pháp cho rằng đó là phương pháp duy nhất đạt đến quả vô sanh. Như vậy là lìa khỏi trung đạo và sa vào cực đoan.

     Đức Phật đã từng tu khổ hạnh suốt 6 năm đến mức sức khỏe lụi tàn như ngọn đèn cạn dầu mong manh trước gió và suýt phải bỏ thân mạng. Sau đó ngài nhận ra sự khổ hạnh chẳng phải con đường giải thoát khỏi khổ đau.

4.    Sự triệt hạ uy tín, chống phá và chia rẽ cộng đồng Phật giáo.

      Xuyên suốt thời gian dài cộng đồng Phật giáo bao gồm cả Tăng Ni, tín đồ Phật tử là một thành phần trong khối đại đoàn kết vững chắc của dân tộc. Chư Tăng Ni, tín đồ Phật giáo luôn tích cực chung tay, phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, xây dựng Giáo hội ngày càng phát triển. Chính sự gắn kết Phật giáo nói chung, cụ thể là Giáo hội Phật giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc đã, đang góp phần tạo nên sức mạnh chung của toàn dân tộc, là động lực giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để hội nhập và phát triển. Điều này cũng trở thành tâm điểm cho một số phần tử cảm thấy không thích mà tìm cách chống phá, triệt hạ uy tín của Phật giáo.


     Những thế lực chống phá Phật giáo luôn đứng ngoài những xu hướng đồng hành, gắn kết với dân tộc Việt Nam của Phật giáo. Có thể một bộ phận chống phá Phật giáo còn có những động cơ riêng mà chi phối, điều khiển có những hành vi gây chia rẽ Phật giáo, tạo ra những xáo trộn, mâu thuẫn từ bên trong và làm tiền đề chống phá ở mức độ cao hơn, nguy hiểm hơn. Vấn đề tôn giáo là vấn đề nhạy cảm, lợi dụng vấn đề tôn giáo hòng gây chia rẽ chính tôn giáo đó, chia rẽ giữa người theo Phật giáo và người không theo Phật giáo hoặc trong cộng đồng Phật giáo. Nhận diện rõ vấn đề này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao truyền thông xã hội hiện nay chính là mục tiêu và vũ khí lợi hại nhất để chống phá và chia rẽ Phật giáo, phủ nhận vai trò của Giáo hội.

Phải khẳng định hiện tượng “Sư Minh Tuệ” chính là cơ hội để các thế lực chống phá, chia rẽ cộng đồng Phật giáo chớp lấy thời cơ tận dụng một cách triệt để qua truyền thông xã hội.


5. Những trăn trở của Phật giáo trong thời hiện đại


     Thực ra, trên đất nước này, có rất nhiều những vị Tăng, Ni với đạo tâm kiên cố và tấm lòng thiết tha với đạo pháp đang âm thầm tu tập như vậy, nhưng ít người biết đến. Cho dù các vị ấy không thuyết pháp, nhưng những Phật tử xung quanh cũng sẽ luôn được thấm nhuần pháp vị, và chắc chắn là niềm tin vào Tam Bảo của họ sẽ ngày càng kiên cố hơn. Tuy nhiên, với sự chuyên tâm tu tập đúng chánh pháp và học hỏi kinh điển thì chắc chắn là bất kỳ điều gì các vị nói ra sau đó cũng đều sẽ là chánh pháp.


     Có rất nhiều những vị Tăng, Ni đang tu tập và hướng dẫn Phật tử đúng chánh pháp. Họ nhập thế để làm lợi ích cho đời, cứu giúp biết bao mảnh đời bất hạnh trong xã hội. Làm đẹp cho đạo, cho đời xứng đáng là hàng sứ giả Như Lai và chúng ta có quyền tin tưởng vào họ để cùng tu tập chuyển hóa bản thân mình.


      Đối với người Phật tử tại gia là một trong bốn chúng đệ tử Phật cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhưng giữa sự nhiễu nhương của thị phị này chúng ta rất đau lòng khi nhìn thấy Phật tử đã rời xa chánh kiến, rời bỏ niềm tin vào triết lý đạo đức Phật giáo. Cũng không thể trách được vì Phật tử hiện nay cũng đang phải chịu sự tác động của truyền thông quá lớn. Họ đã tiếp nhận quá nhiều nhiều thông tin tiêu cực từ Tăng Ni, từ nội bộ Phật giáo trong suốt nhiều năm qua.

       Nhưng nếu là người con Phật đúng nghĩa, tôi tin tưởng rằng với niềm tin vững chức, có chánh kiến, có trí tuệ nhận biết để suy xét kỹ lưỡng thì chắc chắn rằng người Phật tử tại gia chân chánh sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy của thị phi nhằm chia rẽ cộng đồng Phật giáo.


( Trích trong bài " Sáng suốt trước tác động của truyền thông đối với cộng đồng Phật giáo Việt Nam của Thầy Thích An Quang )

5 nhận xét:

  1. Những năm qua, trước sự tàn phá của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, Phật giáo đều đồng hành, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả xảy ra. Rất nhiều hình ảnh các Tăng Ni, Phật tử không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm đến các vùng tâm dịch, vùng thiên tại để hỗ trợ người dân…Những sự cống hiến cho xã hội của Phật giáo vô số kể nhưng truyền thông không nhắc đến, ngược lại những hình ảnh tiêu cực về Tăng Ni và những phát ngôn tiêu cực thế lực chống phá Phật giáo luôn chớp lấy thời cơ và dùng truyền thông xã hội làm sức công phá.

    Trả lờiXóa
  2. Để tạo ra sự đối lập, gia tăng các mâu thuẫn, bất đồng, chúng đã triệt để khai thác những vấn đề tồn tại trong lịch sử, bịa đặt, xuyên tạc về quá trình hình thành, phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Chúng sẵn sàng xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số nhà lãnh đạo Phật giáo đóng vai trò tập hợp, quy tụ chức sắc, tín đồ Phật giáo trong nước và miệt thị đường hướng phục vụ “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Chúng xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  3. Qua hiện tượng “Sư Minh Tuệ” ôm nồi cơm điện bộ hành là cơ hội để so sánh, thậm chí có người còn lạm dụng những từ ngữ nặng nề. Những lời chỉ trích, lập luận cho rằng chỉ có “Sư Minh Tuệ” là tu đúng chánh pháp mà thôi. Không lẽ nào hàng chục ngàn Tăng Ni đang ở trong các chùa, tịnh xá, tu viện kia không tu theo chánh pháp?

    Người học Phật, hành pháp Phật, người có cảm tình với đạo Phật cần lưu ý rằng: Hình ảnh “Sư Minh Tuệ” có thể khiến chúng ta kính trọng vì ông ấy mạnh dạn coi nhẹ tấm thân mình mà hành bộ. Cũng cần lưu ý rằng, “Sư Minh Tuệ” đã âm thầm bộ hành một số lần trong nhiều năm qua chứ không phải chỉ là bây giờ. Và chúng ta cũng cần hiểu rõ chánh pháp của Phật cũng không chỉ riêng pháp việc khất thực hay tu theo hạnh đầu đà… Còn có rất nhiều pháp môn khác được chỉ bày trong kinh điển, mà với bất cứ pháp môn nào mà chỉ cần người hành trì thực sự chuyên tâm tu tập cầu giải thoát, chắc chắn người Phật tử thành tín sẽ hết lòng kính ngưỡng, tôn trọng.

    Rất nhiều người ngợi khen “Sư Minh Tuệ” nhưng kèm theo đó là so sánh và chỉ trích, phê phán chư Tăng Ni hiện nay. Sử dụng hình ảnh “Sư Minh Tuệ” để so sánh với những hình ảnh tiêu cực từ phát ngôn, phong cách của một số Tăng Ni, vô tình chúng ta đã tạo ra một sự đối lập, tương phản giữa hai bên, và như vậy là lôi kéo tín đồ Phật giáo vào vòng thị phi tranh cãi đó chính là sự chia rẽ cộng đồng Phật giáo thành công của thế lực ẩn mình.

    Theo một chiều hướng khác, nhiều người lại ca tụng “Sư Minh Tuệ” như một vị thánh sống, là Phật Di-lặc ra đời… Đây là một sự sai lầm, lệch hướng nghiêm trọng. “Sư Minh Tuệ” nói rằng mình đang “tập học” thì sự tôn xưng thái quá không phải là yêu “Sư Minh Tuệ”, mà thực sự đang vô tình gây khó cho ông. Chỉ một thời gian ngắn sau khi “hiện tượng thầy Minh Tuệ” tràn ngập trên các trang mạng xã hội, nhiều hệ quả khác nhau đã phát sinh, khi các Youtuber, Tiktoker, Facebooker gần như liên tục đưa lên những hình ảnh, câu chuyện về ông, thì những ảnh hưởng rộng khắp mới bắt đầu phát sinh theo nhiều chiều hướng khác nhau.

    Chúng ta cần biết rằng những hành giả Phật giáo có sự thực hành giống như “Sư Minh Tuệ” cũng rất nhiều. Ở các nước theo truyền thống Nam tông, các vị Tỳ-kheo đều nghiêm túc duy trì truyền thống khất thực mỗi ngày, ngay cả khi họ tu tập cố định ở một trụ xứ, người thực hành viễn du để tu tập cũng không ít. Tại Thái Lan, các hành giả tu tập theo truyền thống Thiền trong rừng (Forest Tradition) của ngài Ajahn Chah cũng có nếp sống vô cùng khắc khổ, thiếu thốn nhiều tiện nghi nếu so với cuộc sống của người bình thường. Người Phật tử ở những nơi đó tuy tôn kính các vị nhưng không “bộc phát” thành một hiện tượng quá ồn ào như ta vừa chứng kiến.

    Trả lờiXóa
  4. Nội dung 3 comment trên đều sưu tầm từ bài viết trên của Thầy Thích An Quang

    Trả lờiXóa
  5. Xem đầy đủ bài viết tại đây : https://phatsuonline.vn/sang-suot-truoc-tac-dong-cua-truyen-thong-doi-voi-cong-dong-phat-giao-viet-nam-90

    Trả lờiXóa