NGẪM

Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

SỐNG TRONG ĐỜI SỐNG CẦN CÓ MỘT TẤM LÒNG

 



Theo chính cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bài hát Để gió cuốn đi mang một ý nghĩa triết lý sâu sắc. Trên đời này, không có gì là mãi mãi, không có gì là không phôi phai. Tiền bạc: Hôm nay có, ngày mai mất. Người yêu cũng thế, hôm nay còn ở bên cạnh ta nhưng biết đâu ngày mai sẽ xa ta vạn dặm.

Vì vậy, hãy sống sao cho thanh thản, không nên đặt nặng vấn đề "được - mất", "đến - đi" để tự mình giải thoát cho chính mình ra khỏi những đau khổ, xót xa.

Những khi chiều tới cần có một tiếng cười 
Để ngậm ngùi theo lá bay
Rồi nước cuốn trôi, rồi nước cuốn trôi


Buổi chiều thường gợi đến một điều gì sắp tàn, những lúc như thế ta thường cảm thấy lạnh lẽo, cô đơn, đôi khi là hụt hẫng. Nhưng vẫn "cần có một tiếng cười" chỉ để "theo lá bay", "nước cuốn trôi". Ta nghe đâu đây một sự chấp nhận trong ngậm ngùi và gắng gượng. Trong cuộc sống, đôi khi có những thứ ta không hề muốn nó xảy ra, nó vẫn xảy ra, ta không hề muốn chấp nhận, vẫn phải chấp nhận. Và rồi nỗi đau dâng trào khi chịu đựng thực tại trớ trêu trước mắt, ta chỉ biết ngậm ngùi cười.

Hãy nghiêng đời xuống nhìn hết một mối tình
Chỉ lặng nhìn không nói năng 
để buốt trái tim, để buốt trái tim.


Có những lúc đang lặng yên cũng là đang dậy sóng. Người ta có thể lặng yên để khỏi thôi thúc hay kích động một thứ gì đó, hoặc lặng yên chỉ "để buốt trái tim", để lặng lẽ ôm chặt vết thương đang rỉ máu trong lòng.

Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai


Nhưng dù cuộc sống có nghiệt ngã, thương đau với ta đến thế nào đi chăng nữa, dù người có ở bên ta hay đã xa ta, hãy cứ vui mà sống. Vì nếu không đớn đau khi mất đi, ta sẽ không biết nỗi quý trọng hạnh phúc khi có được. Nếu không xót xa lặng thầm khi đứng trước một sự ra đi, thì ta không biết vui mừng khi đón nhận sự sum vầy. Và hãy đón nhận, vì vốn dĩ đó là quy luật của cuộc đời.

1


Tác giả bài viết: Từ Quang

 

Đời Sống Cần Một Tấm Lòng

Một tấm lòng không phải điều gì cao xa, khó hiểu, đứa trẻ cũng có thể có tấm lòng để thương yêu, cho đến người già cũng có tấm lòng để thương yêu. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi mọi người luôn thể hiện tình cảm với nhau, thật bình dị mà ý nghĩa nhất.

 

"Mong em hiểu, đừng cho tôi nói trước. Nói cho em, tôi biết nói những gì. Viết cho em, quả thật khó quá đi..." (Nối một nhịp cầu của nhà thơ Mặc Giang). Cũng vậy, điều mà tôi đang muốn nói cùng các bạn quả thật rất khó đối với tôi, bởi từ lâu tôi rất ngại khi phải nói đến lời khuyên nhắc, ý kiến hay sự phán xét đến với mọi người, đây chính là cái mâu thuẫn giữa cái tôi đáng ghét.
 
Bài học đầu đời mà tôi được học đó chính là "đời sống cần có một tấm lòng ". Một buổi chiều mưa lúc tôi đang ngồi trong lớp học (lớp 7), cô giáo bước vào lớp với khuôn mặt mang theo nỗi buồn trĩu nặng, cô nói: "Các em à, Thúy Kiều tự vận còn có sư Tam Hợp bảo Giác Duyên nhờ người cứu sống. Nhưng hôm nay, không ai có thể cứu sống một con người tài hoa được bao nhiêu người yêu mến, Trịnh Công Sơn với hàng trăm ca khúc hay vừa qua đời!".

Dứt lời cô cất lên "đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt, trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt, gọi suốt trăm năm một cõi đi về..." rồi cô hát tiếp "sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? để gió cuốn đi ...".
 
Điều này đã làm tôi suy nghĩ nhiều rồi tìm tới với âm nhạc của ông. Tôi học được ở ông nhiều lắm, từ những ca khúc đầu đời như là "Ướt Mi". Ông đã hát cho thân phận người con gái nghiêng bóng đong đời, rồi "làm sao em biết bia đá không đau? Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng, ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau".

Trong Diễm Xưa, "áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau"; trong Hạ Trắng, và trên hết là "sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi" !
 
Tôi cứ băn khoăn suy nghĩ nhiều bởi không hiểu tại sao đời sống cần có một tấm lòng mà chỉ để gió cuốn đi ?! Thử hỏi, nếu đời sống không có một tấm lòng thì làm sao thi sĩ Mặc Giang viết lên được những bài "Trẻ thơ bên cạnh cuộc đời", "Em bé không biết nói", "Em bé mồ côi", "Em bé nhà nghèo", "Tôi là một người mù", "Tôi là một người câm", ...cho đến "Tôi là người đạp xích lô, xe thồ , tắcxi... đến người phu quét đường "... biết bao nhiêu là hình ảnh nói về con người và thân phận vậy mà mấy ai nhìn rõ điều đó.
 
Thử hỏi, nếu nhà thơ không có một tấm lòng cho đời, cho người thì làm gì ông có thể viết lên được những bài thơ đó, ông đã viết rất rõ, rất cụ thể và chi tiết từng con người, từng cuộc đời gắn liền với thân phận! Ôi Mặc Giang, một con người với trái tim nhận hậu ông đã dâng tặng cho đời.

Tôi nghĩ, cuộc đời này sẽ không còn thấy những đường kiếm mưu đồ hay những lưỡi dao bén nhon của sự tỵ hiềm khi họ bắt gặp dòng thơ-ca của ông.

Một cuộc đời sống giữa chốn nhân sinh, nếm vị ngọt của niềm vui, vị đắng của tủi nhục, cả mặn chát của nước mắt, thử hỏi còn gì cho anh, còn gì cho em và còn gì cho tôi? Câu trả lời sẽ là "không còn gì, không còn gì, chỉ còn lại trái tim" phải vậy không các bạn! Trái tim âu chẳng phải là tấm lòng hay một chút tình thương ban trải giữa cuộc đời này hay sao?
 
Ngay từ bây giờ các bạn cần phải học lòng bao dung, độ lượng các bạn ạ! Cuộc đời này có nhiều nơi để cho chúng ta học hỏi lắm! Mỗi đêm, các bạn có thể nhìn trời đất để học về lòng bao dung. Nhìn đường đi của kiến để biết về sự nhẫn nhục.

Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Ðời người cũng để sống và hãy thả trôi đi những tị hiềm, phải vậy không? Chỉ cần có tấm lòng thì bất cứ nơi đâu các bạn cũng có thể học được những bài học vô giá.
 
Dòng đời chia rẽ, quanh co phân thành trăm nẻo để người đi trăm hướng, biết đến khi nào mới có duyên gặp lại? Hay chỉ trong giấc mơ kịp về đêm bạn mới bên tôi để ôn lại bao kỷ niệm buồn vui. Để rồi khi giấc mơ được đánh thức bởi còi tàu xa xa hay tiếng mưa bất chợt may ra ta còn chút gì để nhớ?!

Đừng để đến lúc ly biệt rồi mới thấy tiếc nuối những ngày tháng tương phùng. Đừng để tới giờ chia cách rồi mới bàng hoàng nghĩ đến những phút giây gặp gỡ, trong bài thơ "Một chuyến giã từ..." thi sĩ Măc Giang đã có những câu thơ mà người đọc phải khóc:
 
"...Mỗi ly biệt, biệt ly là thế đó!
 
Phút biệt ly tìm lại khó muôn vàn
 
Nếu biết vầy tôi không vội bước ngang
 
Nhìn lặng lẽ cho tơi khi mờ lối...
 
...Nước đi hai ngả còn chờ
 
Sông đi hai ngả còn mơ cuối dòng
 
Người đi thôi thế là xong
 
Người về thôi thế buồn không đêm dài..."
 
Biết vậy sao ta không thể sống tốt hơn trong phút giây hiện tại? Chỉ một chút tấm lòng thôi, một chút thôi cũng khiến cho đời mình có những lúc trọn vẹn. Mơ ước chính đáng và trọn vẹn quá phải không? Vậy mà mấy ai chẳng chịu biến nó thành sự thật.

Dường như con người ta mong ước được hạnh phúc nhưng lại câu nệ cợt đùa trong bi kịch, và cuộc đời là những bi kịch trường kỳ, chứ đâu phải giấc mộng lớn, giấc mộng con! "Một mai nhức nhối hoàng tuyền" của Mặc Giang có thể cho chúng ta rõ điều này.
 
Và giấc mơ vật chất như Trụ Vũ:
 
"Giấc mơ bé nhỏ vô cùng
 
Một căn nhà lá, đôi vòng khoai lang
 
Thế thôi mà lạy mười phương
 
Ba mươi năm lẻ chưa tròn giấc mơ"
 
Mà cũng khó thực hiện, huống nữa lại là giấc mơ, mọi người cần có trái tim yêu thương để chia sớt cho nhau.
 
Đọc thật nhiều thơ-ca của Mặc Giang ta mới có thể hiểu được phần nào tâm trạng và cảm xúc của thi sĩ muốn gửi gắm mà ông đã chắt lọc vào trong từng lời thơ-ca. Hiểu được phần nào tâm trạng và cảm xúc của thi sĩ cũng chính là hiểu được "một tấm lòng" của một con người, đời người, đang dâng tặng cho cuộc đời và đây cũng chính là thông điệp mà ông muốn gửi đến với con người. "một tấm lòng" tuy là đơn vị chỉ cho số ít, nhưng trong số ít "một tấm lòng" này lại bao hàm tất cả những tình cảm của con người trên thế gian.

Ở trong "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn ông cũng đã diễn tả "một tấm lòng" bằng cách nhạc sĩ dùng cụm từ "con tim yêu thương vô tình chợt gọi", còn thi sĩ Mặc Giang thì "tôi muốn làm một em bé thơ, để cuộc đời khôn ngoan hạnh phúc cho người..." (nhạc phẩm Mỉm cười tôi vẫn là tôi).
 
Có lần nhà thơ nói : "cuộc đời này, tôi không sợ mất bất cứ một cái gì cả, chỉ sợ con người mất tấm lòng mà thôi"! Đúng vậy, mất tấm lòng là mất tất cả các bạn a. Cuộc đời này sẽ trở nên vô nghĩa và chẳng đáng để sống một khi bạn đã đánh mất nó.

Chúng ta sẽ cảm thấy thua lỗ còn hơn cả một người lái buôn mất hết vốn liếng, bởi người lái buôn mất hết vốn liếng họ còn có thể làm lại được, "con người sản xuất ra của cải mà" lo gì, chứ nếu đánh mất đi tấm lòng là bạn sẽ mất sạch. Vô tình bạn đã tự xoá mình trong xã hội, trong quần chúng và trong lòng người.
 
Tất cả tất cả chính là một "tấm lòng" – tấm lòng mà mỗi con người sống trong đời sống cần phải có. Có thể được gọi là một con người, có thể không bị coi là người thất bại – bởi tấm lòng mới chính là sự nghiệp lớn nhất mà mỗi chúng ta cần đạt được, đó chính là đỉnh cao của sự nghiệp trong thế gian này.

Còn nhiều cõi lòng hơn thế mà chúng ta cần học hỏi, học hỏi để tô bồi nhân cách, để sống với chân thiện mỹ và điều quan trọng nhất là để được gọi con người. Tấm lòng được thể hiện từ cái nhỏ nhặt nhất cho đến cái thiêng liêng nhất, từ tình người tình làng xóm, bà con đến tình thầy bạn tình cha mẹ và đến tình yêu, tất cả có thể được gọi là chân tình khi thật sự biết nghĩ về nhau bằng tâm bình đẳng và thành thật.

Có lẽ theo tôi, tình cảm luôn là bài học lớn mà cuộc đời muốn mọi người phải thực hiện và sống với cho đến khi đạt được "tình thương yêu mầu nhiệm".
 
Một tấm lòng không phải điều gì cao xa, khó hiểu, đứa trẻ cũng có thể có tấm lòng để thương yêu, cho đến người già cũng có tấm lòng để thương yêu. Cuộc đời sẽ đẹp biết bao khi mọi người luôn thể hiện tình cảm với nhau, thật bình dị mà ý nghiã nhất.
 
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng", có thể tôi và hết thảy mọi người đều hiểu ý nghĩa câu này. Nhưng "để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi", thì thật sự rất nhiều người không thể hiểu được. Không biết bao nhiều lần tôi đã băn khoăn cố tìm cho mình câu trả lời nhanh nhất và hợp lý nhất, nhưng càng trả lời tôi càng thấy mình không đúng.

Và cuối cùng tôi suy nghĩ hãy cứ sống rồi thời gian và kinh nghiệm sẽ trả lời câu hỏi trên, sẽ trả đáp sự băn khoăn trong lòng mỗi người. Tôi tin chắc rằng mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau nhưng cùng chung mẫu số, đó là sự hướng thượng và hướng thiện. Tôi cũng đã kịp tìm ra cho mình câu trả lời tại sao cuộc đời cần có một tấm lòng mà chỉ để gió cuốn đi.
 
Cả nhạc phẩm, Trịnh Công Sơn đã đi từ cái khái quát đến cái cụ thể, đi từ cái chung rồi dần dần mổ xẻ ra những cái riêng. Khái quát từ "sống trong đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi" đến cái cụ thể "những khi chiều tới, cần có một tiếng cười để ngậm ngùi theo lá bay, rồi nước cuốn trôi", cụ thể trong cả cái nhìn "hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một cuộc tình, chỉ lặng nhìn không nói năng để buốt trái tim", và cụ thể ngay trong lời nhắc nhở "hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người, còn cuộc đời ta cứ vui dù vắng bóng ai". Cười mà để ngậm ngùi, nhìn mà để buốt tim, yêu mà để mệt kiếp người, vui mà để xa ai ...tất cả như một sự gượng ép.
 
Nhưng không, bởi cuộc đời này lắm lúc trải nhung lụa trên chông gai, đến vinh quang thì phải qua thử thách. Cho nên cười mà để ngậm ngùi, ngậm ngùi cho kiếp nhân sinh vẫn có quá nhiều đau đớn trong những giây phút hạnh phúc ngắn ngủi. Nhìn mà để buốt tim, buốt tim bởi cuộc đời có quá nhiều ngang trái bên những phút bình yên ngắn ngủi.

Yêu mà để mệt quá kiếp người, mệt kiếp người bởi những dối gian bên những tấm chân tình ít ỏi. Vui mà để xa ai, xa bởi cuộc đời luôn có mầm ly biệt bên những phút giây hội ngộ. Cuộc sống có mấy ai được gọi là trọn vẹn?... Chỉ mong sao đừng có "từng bàn tay thô lấp kính môi cười", đừng có "từng cuộn dây gai xé nát da người", vì tất cả chẳng làm nên được gì ngoài sự bất hạnh, thương đau.
 
Để gió cuốn đi một cõi lòng không phải là cõi lòng đó sẽ bị chôn vùi vào dĩ vãng. Cơn gió chỉ là một hình ảnh trượng trưng cho cái gì có thể ban trải rộng rãi khắp nơi. Cơn gió bao trùm lên vạn vật, len lỏi vào bao ngõ ngách. Vâng, cơn gió sẽ mang tình thương hòa vào vạn vật. Ở đâu có cơn gió, ở đó có thông điệp của tình thương.

Mong muốn này mà thành sự thật thì cuộc đời này đâu có những đớn đau? Song, mơ ước muôn đời vẫn chỉ là mơ ước, có mấy khi mơ ước thành sự thật giữa trần gian?! Thế nhưng, ta hãy cứ mơ ước, bởi mơ ước chính là động lực thúc đẩy ta đi lên. Chốn Địa Đàng hay nẻo Thiên Thai cũng đều là những nơi mà 
cố nhạc sĩ Văn Cao và cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mơ ước cho mọi người được sống, cũng chẳng khác nào chúng ta nguyện sanh về Tây Phương Cực Lạc, hay cõi Thiên Đàng.

Gió sẽ mang yêu thương hòa cùng nhịp đập con tim của hàng triệu, hàng triêu người để có phút giây ta tự hỏi "tôi là ai mà còn khi giấu lệ? tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai, là ai mà yêu quá đời này?". Cuộc đời này sẽ thật sự có ý nghĩa khi tình thương hiện hữu! Rồi bạn sẽ trở thành "người hạnh phúc" khi cuộc đời bạn được mọi người thương yêu!
 
Cây cầu xưa liệu có gãy khúc không? Ngôi nhà hạnh phúc liệu có đủ vững vàng trăm năm để chúng ta hội ngộ trải rộng lòng thương sống với nhau không?... Xin tất cả mọi người đừng đánh mất những gì mình đã gây dựng được cho nhau. Gặp nhau, hãy chân thành chắp tay để tự nhủ lòng mình:
 
"Cảm ơn đời đã cho ta gặp gỡ
 
Giấc mộng nào tan vỡ lại thành tên"
 
Ngày tháng cũ dù có vật vờ như trăng mộng, thì cũng xin hãy ấp ủ cho nhau những tình thương giữa cuộc đời.

Chúng ta, mỗi người có một con đường, một quan niệm và phương cách sống, nhưng phải biết làm sao để tình thương có mặt, nụ cười hiện hữu, phải biết làm sao để câu nói "tôi là em và em cũng là tôi" trở thành sự thật chứ không phải chót lưỡi đầu môi.
 
Viết về "một tấm lòng" tôi không thể nào nói hết, bởi ngôn ngữ trần gian không đủ sức lộng lẫy. Những lời nói trên đây chỉ là đoản khúc ghi lại những cảm nhận của mình về tình người để cuộc sống này đẹp hơn và thật sự có ý nghĩa hơn !
 
Một tấm lòng, một con tim hay một thông điệp mà Mặc Giang nhắn gởi : "Cho dù 10 năm, 20 năm, 30 năm. Năm mươi năm nửa kiếp còn dư, Trăm năm sau sỏi đá còn mềm. Tôi quặn thắt ôm núi rừng cô đọng. Tôi quặn thắt nhìn biển gầm gió lộng. Ước gì còn bé nhỏ như ngày xưa, để không thấm cuộc đời nhiều tan vỡ..."
 
Tháng 4 năm 2008
 
TQ, một Sinh viên Miền Trung, Việt Nam

Trong cuộc sống hiện đại, có một căn bệnh gọi là bệnh vô tâm, nó như một loại virus lây lan khiến con người ta trở lên lãnh đạm, thờ ơ và thiếu đi những tấm chân tình với nhau. Cảm nhận được điều ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhạc phẩm ‘Để gió cuốn đi’ để gửi đi thông đến chúng ta thông điệp hãy sống thật lạc quan và bớt tham, sân, si để cuộc sống trở nên tươi đẹp hơn.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhấn mạnh, con người sống không chỉ để tồn tại mà còn: ‘‘Cần có một tấm lòng’’ cũng chỉ để gió cuốn đi. Cuộc đời vốn dĩ công bằng, không cho ai tất cả nhưng cũng chẳng lấy đi của ai tất cả vì thế “dù đau buốt trái tim” nhưng “còn cuộc đời ta cứ vui”.

‘Để gió cuốn đi’ là ca khúc giàu triết lý nhân sinh, phảng phất tinh thần của đạo Phật, như cố nhạc sĩ đã từng nói: “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau…”.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi… Câu ca ngắn gọn nhưng đầy sâu sắc, đâu đó là dư âm của cơn sóng lòng. Có lẽ ‘tấm lòng’ mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn nói chính là tấm lòng yêu thương, sự quan tâm đồng cảm, sẻ chia, giúp đỡ người khác với tất cả chân thành.

Câu hát ngân vang như lời khuyên nhủ với người đời, hãy mở rộng tâm hồn, mở rộng lòng mà trao đi yêu thương, sẻ chia giúp đỡ nhau bằng cả tâm cả sức, cho đi mà không mong được nhận lại, hi sinh mà không mong được đền đáp.

Con người ngay từ khi được sinh ra đã được tạo hóa ban tặng cho một trái tim biết yêu thương, sự bao dung vị tha, hay những phẩm chất đạo đức tuyệt vời. Lớn lên, trải qua sự nhào nặn tôi tạo của xã hội, họ đã bị mất dần đi những điều tốt đẹp nhất, viên ngọc trong tâm đã bị bụi của cõi phàm trần che đi mất.

Để rồi từ khi nào trái tim họ như đóng băng, tâm họ như vô cảm, thờ ơ lạnh lùng. Con người trở nên bon chen, chà đạp lên nhau mà sống. Khi đau khổ hay thất bại họ luôn thấy mình cô đơn, trống vắng ngay cả khi họ ở giữa biển người, họ như bế tắc tới cùng quẫn. Tất cả cũng chỉ bởi vì người ta đã quên cho đi yêu thương, cảm thông hay chia sẻ. Chính vì thế mà ‘‘Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng’’.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn muốn truyền tải một thông điệp: “Người với người sống để yêu thương”. Đó là những tình cảm thiêng liêng, chân thành, xuất phát từ trái tim tự nguyện trao đi, nên tấm lòng ấy như ngọn lửa sưởi ấm nhau, nó phá đi khoảng cách ranh giới giữa con người.

Khi yêu thương được lan tỏa, những điều tốt đẹp được gió mang đi, thì khi ấy người ta thấy cuộc sống là niềm vui, là sự thanh thản và cũng hiểu được một góc của ý nghĩa cuộc đời.

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…

Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông,

Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông,

Ôi trái tim đang bay theo thời gian,

Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian”.

Gió trong góc nhìn của nhạc sĩ, là những thứ có thể lan tỏa đi những giá trị tốt đẹp của con người, mang yêu thương mà gieo tới nhân gian, để rồi nó thổi cho niềm vui ấy, hạnh phúc ấy nhân lên gấp bội.

Gió của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không chỉ là như vậy, nó cũng cuốn đi cả những muộn phiền bay đi xa, đi xa nhường lại cho nhân gian là tiếng cười rộn rã lúc chiều tà, nó đủ sức phá tan đi sự cô quạnh.

Có rất nhiều người yêu nhạc Trịnh đã tìm thấy ở bài hát này một hình ảnh mà họ cho rằng, đây là những triết lý sâu sắc của nhà Phật. Đó chính là hình ảnh cuộc đời cũng như dòng nước cuốn trôi.

Phải chăng với nhạc sĩ, dòng đời luôn cuồn cuộn chảy, và những được mất ở thế gian cũng chỉ như chữ ghi trên mặt nước, sẽ bị xóa nhòa đi hết thảy, sẽ bị cuốn trôi hết thảy trong đó có cả những buồn đau. Thế nên ông vẫn nói, ông và đời là tha thứ cho nhau.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài hoa, mang trong mình cả những nỗi đau đời. Người ta thường nói ông luôn ấp ủ những giấc mơ đẹp về những mối tình dang dở, thế nhưng chẳng ai có thể tìm thấy trong ông sự cay đắng với đời hay ông bắt âm nhạc phải chịu đựng những tủi hận, nỗi lòng của riêng ông.

“Hãy nghiêng đời xuống nhìn suốt một mối tình,

Chỉ lặng nhìn không nói năng”.

Tại sao lại phải nghiêng đời? Tại sao chỉ lặng nhìn.

Phải chăng ông muốn nói rằng, ta nên nhìn đời bằng mọi góc độ, ở nơi cùng cực hay ở tận cùng của tuyệt vọng, thì đâu đó luôn có một lối thoát cho ta. Muốn thấy được điều ấy, thì phải thực sự tĩnh lặng mà nhìn. Dẫu đời là những đau khổ, thì ta cũng trân trọng biết bao những năm tháng được sống trên đời. Nên ông nghiêng đời để thể hiện sự khiêm nhường và cũng là để tưởng nhớ cho những nỗi đau:

“Để buốt trái tim, để buốt trái tim…

Trong trái tim con chim đau nằm yên,

Ngủ dài lâu mang theo vết thương sầu.

Một sớm mai chim bay đi triền miên,

Và tiếng hót tan trong trời gió lên”.

Một lần nữa ta lại thấy cơn gió kia cuốn đi mọi đau thương hay nỗi sầu. Hãy để gió cuốn đi, để rồi ta lại quên đi những thương tổn trong tâm hồn, lại tiếp tục sống, tiếp giống như con chim kia khi đau thì nằm im và rồi một ngày nó lại bay đi và cất tiếng hót. Cuộc sống vẫn cứ trôi đi, và ta vẫn phải sống. Cũng phải tạm biệt những nỗi đau, xoa dịu những vết thương lòng để bước cho trọn một đời người.

Ông luôn hy vọng, luôn nhìn đời bằng góc nhìn tích cực, chẳng ai thấy ông bi quan mặc dù đời là bể khổ. Có lẽ với nhạc sĩ, chuyện hôm nay chỉ là hôm nay, ngày mai sẽ lại tới, và ngày mai lại là câu chuyện của ngày mai. Cho nên hãy cứ vui đi, hãy cứ yêu đi bởi còn nhiều lắm những yêu thương ở đời. Chỉ cần ta không thôi hy vọng, chỉ cần ta còn có một ‘‘tấm lòng’’ thì gió kia sẽ lại mang đi những yêu thương tốt đẹp mà lan tỏa khắp nhân gian.

“Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người,

Còn cuộc đời ta cứ vui,

Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai…

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng,

Để làm gì em biết không?

Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi…”

Những ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã giúp ta hiểu sâu sắc hơn về giá trị của “tấm lòng” trong cuộc đời. Mỗi con người sống trong xã hội, trong một cộng đồng, nếu chúng ta ai ai cũng đánh thức lòng trắc ẩn bên trong bản tính thuần thiện nguyên sơ của mình, người với người gắn bó với nhau bằng những yêu thương, thì có lẽ căn bệnh vô cảm kia sẽ không có chỗ đứng nào trong xã hội này.

‘Để gió cuốn đi’ là một nhạc phẩm chứa đựng rất nhiều triết lý nhân sinh, mà cái hay, cái tài của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là đem những tư tưởng triết lí ấy thổi hồn vào từng nốt nhạc mà đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng và ngự trị ở đó từ lúc nào không hay. Ta tìm thấy ở ca khúc này một chiếc chìa khóa để mở rộng cánh cửa tâm hồn, để được yêu thương và trao yêu thương và cũng để tình người còn mãi. Và, một lần nữa ta lại thả hồn mình vào với những âm sắc sâu ngọt của ca sĩ Khánh Ly, ‘để gió cuốn ta đi..’

THANH TÂM

.

9 nhận xét:

  1. Còn tui, tui lại hiểu theo cách riêng của mình là: Sống trong đời sống cần có 1 tấm lòng tốt, làm những việc tốt có ích cho người khác nhưng hãy để gió cuốn đi, đừng kể công, đừng ghi công mà hãy quên đi những việc tốt mình đã làm, hãy cho đi mà không mong nhận lại bởi vì mình đã nhận được niềm vui từ chính mình rồi, làm được việc tốt cho người vui thì mình vui lây, vui ké.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật hay, thật ý nghĩa. Em cũng thích nhạc Trịnh Công Sơn và em chúc chị luôn có nhiều niềm vui trong cuộc sống.

      Xóa
  2. Rất ý nghĩa nha HĐ!
    :)

    https://media.tenor.com/oSpI83rFYnoAAAAC/happy-thursday.gif

    Trả lờiXóa
  3. sang thăm bn... lâu lắm rồi mình cũng thích viết gì đấy nhưng hình như rất khó...ghé trang bn thấy lòng nhẹ nhàng...chắc bn nghĩ mình đang nói dối, vì bn thấy ở f mình rất sôi nổi, náo nhiệt...đôi khi ng ta náo nhiệt để che đi những sâu thẳm mà không thể bộc bạch đc...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn viết nhiều hơn mình đó và viết hay nữa nè. Blog khác face mà, bạn. Blog trầm lắng hơn nè.
      Còn mình thì dạo này bận quá nên viết hạn chế lắm.

      Xóa
  4. Em qua thăm và chú chị tuần mới an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chị cảm ơn Em !
      Chị chúc Em chuẩn bị đón Tết vui vẻ nha! SG đang nhộn nhịp đón Xuân!

      Xóa
  5. Chị cảm ơn Em nhiều. Năm mới 2023 đã sang. Một năm mới sẽ tốt đẹp hơn!
    Chị chúc Em luôn vui khoẻ, gặt hái nhiều thành công và hạnh phúc trong năm mới nhé!

    Trả lờiXóa