NGẪM

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

Tính triết lý trong âm nhạc của Nhạc sĩ Phó Đức Phương


Nếu ai hỏi tôi rằng âm nhạc của Nhạc sĩ Phó Đức Phương có điểm gì nổi bật, tôi sẽ không dùng các mỹ từ, không sử dụng cách diễn đạt dài dòng mà chỉ ngắn gọn một điều duy nhất: Cái tôi.

Cái tôi của Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Cái tôi bao trùm lên toàn bộ không gian âm nhạc của Phó Đức Phương từ thế giới quan, từ tư tưởng cho đến nội dung ca từ và chất liệu âm nhạc. Cái tôi thể hiện ở cả trong hàm ý hẹp riêng có trong con người nhạc sĩ và rộng hơn là cái tôi trong chúng ta. Và cả hai lại quyện lẫn trong nhau, như thể là một.

Chẳng phải ngẫu nhiên ngay khi biết tin nhạc sĩ đã dừng những tháng năm ở trọ cõi trần để về miền cực lạc, những dòng suy nghĩ đầu tiên vang lên trong tôi về ông là một người yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc Bộ và yêu hồn quê Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca.

Đó thực ra chính là cái tôi có ở cả hai hàm nghĩa rộng và hẹp.

Người yêu nhạc dễ dàng nhận thấy cái tôi trong chúng ta của Phó Đức Phương vì nó xuất hiện bao trùm lên toàn bộ các sáng tác của ông. Rất nhiều ca khúc từ Những cô gái quan họ, Về quê đến Hồ trên núi, Huyền thoại Hồ Núi Cốc hay Một thoáng Tây Hồ, Không thể và có thể hay Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi… thoáng qua có vẻ như mỗi ca khúc có một mảng màu âm nhạc khác nhau, không gian âm nhạc khác nhau nhưng thực ra lại có điểm chung là chất liệu âm nhạc dân gian đậm đặc.

Điều này góp phần làm nổi bật chất Việt trong ca khúc của Phó Đức Phương.

Còn cái tôi của riêng Phó Đức Phương, đó là một thứ, tôi tạm phải gọi là “đặc hữu cố định”, nằm trọn trong trái tim và khối óc của ông, chi phối suốt chặng đường sáng tạo âm nhạc của ông. Đó chính là mảnh đất Kinh Bắc và những câu ca quan họ.

Kinh Bắc vùng đất phía Bắc kinh thành Thăng Long xưa, nay được biết đến bao gồm hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Bắc Ninh là quê ngoại của Phó Đức Phương, trong khi nếu tính theo cách phân chia địa giới của người xưa thì quê nội Văn Giang tỉnh Hưng Yên nơi ông sinh ra cũng thuộc về vùng Kinh Bắc.

Kinh Bắc là cái nôi văn hóa, ngập tràn khắp vùng là những câu ca quan họ nên việc vùng đất và thứ âm nhạc đặc sản này ngấm vào tâm hồn Phó Đức Phương và rồi có ảnh hưởng lớn trong sáng tác của ông cũng là điều dễ hiểu.

Nhưng quan họ khi được Phó Đức Phương khai thác không còn đơn thuần là những câu hát da diết, đằm thắm mà nó mang hơi hướm đời hơn, giản dị hơn dẫu sự linh hoạt, duyên dáng thì vẫn còn hiện hữu.

Điều này được hiện hữu ngay trong tác phẩm đầu tay Những cô gái quan họ, hay trong Về quê một ca khúc được ông viết sau đó hàng thập kỷ. Hoặc ngược lại, nó trở nên khó nhận biết hơn vì đã được lẩn khuất trong nhiều chất liệu âm nhạc và bút pháp sáng tác khác của ông, như trường hợp ca khúc Hồ trên núi.

Cái tài của Phó Đức Phương là dù khai thác quan họ nhưng để nhận biết được cụ thể nó ảnh hưởng bởi bài quan họ nào thì lại không rõ ràng. Trong khi điều đặc biệt nữa là ông không chỉ đơn thuần khai thác một chất liệu mà còn pha trộn một cách hài hòa những chất liệu âm nhạc truyền thống khác.

Chẳng hạn như trong Những cô gái quan họ còn có chất liệu của chèo, trong khi Về quê cảm nhận được cả màu sắc của hát xẩm. Ngoài ra, nói về việc khai thác quan họ và pha trộn chất liệu âm nhạc truyền thống một cách tài ba của Phó Đức Phương còn phải kể đến Hồ trên núi.

Nếu nghe thoáng qua, sẽ nghĩ Hồ trên núi chẳng có gì liên quan đến quan họ. Chất liệu âm nhạc dân gian dễ nhận biết nhất ở ca khúc này là những điệu hò sông nước trong lao động sản xuất được khai thác và cường điệu hóa khiến ta cảm thấy nó như âm hưởng của cả một đoàn quân đang tràn trề nhiệt huyết và hừng hực khí thế. Ấy là còn chưa kể nội dung ca từ dễ hướng người nghe đến âm nhạc miền núi phía Bắc.

Những câu hát “Thuyền ta ngược thuyền ta xuôi giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…” cứ đều đặn lặp đi lặp lại, trong đó những nốt thấp gợi nhịp mái chèo, để rồi phía cuối mỗi lần giai điệu đặc trưng này xuất hiện là một giai điệu kế tiếp bay vút lên cao “Non xanh mà nước biếc ối a, khoan nhặt mái chèo hừ là, khoan nhặt mái chèo ối a…”.

Chính câu hát vút lên này là chất liệu quan họ được ông khai thác. Và không chỉ là những luyến láy linh hoạt trong giai điệu quan họ, Phó Đức Phương còn sử dụng hư từ - từ phụ như "ối a", "hừ là" và quãng đặc trưng đều là chất liệu quan họ.

Bên cạnh quan họ, trong thế giới tinh thần tạo nên nét riêng của Phó Đức Phương thì ca trù cũng có một vị trí quan trọng. Nếu như quan họ góp phần tạo nên một Phó Đức Phương gần gũi, tự nhiên thì ca trù lại cho chúng ta thấy một Phó Đức Phương khác, huyền bí và ẩn chứa những sự kìm nén chỉ trực chờ thời điểm để bùng nổ.

Điều này hiện hữu trong tác phẩm của Phó Đức Phương ở nhiều mức độ khác nhau, từ dễ nghe dễ nhớ như Một thoáng Tây Hồ cho đến phức tạp hơn ở Không thể và có thể Và cũng không chỉ đơn thuần khai thác âm hưởng của một thể loại, đâu đó phảng phất trong những ca khúc ấy vẫn cảm nhận được hơi hướm của tuồng.

Tính triết lý trong âm nhạc của Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Khởi đầu sự nghiệp sáng tác của Phó Đức Phương là chất liệu quan họ hiện hữu ngay trong ca khúc đầu tay Những cô gái quan họ ông viết năm 1966 khi mới 22 tuổi.

Trong giai đoạn thập niên 90 khi Phó Đức Phương viết những tác phẩm đưa tên tuổi ông sang một giai đoạn mới với lối tư duy đi sâu vào thế giới nội tâm và những chiêm nghiệm như Trên đỉnh Phù Vân năm 1995 hay Chảy đi sông ơi năm 1997.

Cũng trong giai đoạn này, năm 1998, Về quê ra đời. Điều đó cho thấy sự tài tình, đa màu sắc và “định vị” con đường đi trong suốt một chặng đường dài của vị nhạc sĩ tài ba này.

Còn một chi tiết thú vị nữa tạo nên cái tôi rất riêng của Phó Đức Phương ít được nhắc tới đó là tính triết lý nằm ẩn trong mỗi tác phẩm của ông. Ví như những câu hát “Sông hiến mình tất cả, đời sông không hề tiếc vơi đầy” (Chảy đi sông ơi) hay “Còn đâu miền dương gian khi úa tan mặt trời / Bình minh có lên ngôi khi không còn đêm tối / Người đã ra đi có thể trở lại / Vết thương ngày nào có thể liền da" (Không thể và có thể).

Ở tất cả câu hát đó chúng ta đều dễ dàng cảm nhận được ý nghĩa của cuộc đời, khát khao sống một cách mạnh mẽ… Tính triết lý còn hiện hữu một cách ẩn dụ trong câu hát với hai nét nhạc một trì tục một vút lên mà lại rất hợp với nhau, như Hồ trên núi mà tôi đã dẫn chứng.

Đó chính là sự cân bằng âm dương trong âm nhạc. Hay ngay cả những câu hát đời nhất trong Về quê cũng là lời nhắc nhở mỗi chúng ta không được quên đi cội nguồn.

Tất cả điều này cũng là biểu hiện của cái tôi cá nhân trong cái tôi chung của tất cả chúng ta. Và vì thế cái tôi trong âm nhạc của Phó Đức Phương cũng là một triết lý của riêng ông.

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng giá như ở Việt Nam có thêm nhiều Phó Đức Phương, Nguyễn Cường, Trần Tiến thì chúng ta sẽ không phải loay hoay đi tìm cái tôi định danh cho bản sắc Việt trong nền âm nhạc đại chúng. Nhưng cho tới giờ tôi không dám nghĩ bao giờ điều đó mới thành hiện thực. Vì vậy, sự ra đi của Phó Đức Phương là một mất mát lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.

Nhạc sĩ, nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long