NGẪM

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2018

Bát vàng đổi lấy Chân Kinh nghĩa là gì?

Nhiều người chưa hiểu đạo Phật thường đánh giá vội vàng việc Đường Tăng phải đổi Bát vàng mới lấy được Kinh Phật là hối lộ, tham nhũng, là sân si nhưng thực ra việc làm ấy là có ẩn ý rất thâm sâu.

Truyện Tây Du Ký kể rằng:
A Nan, Ca Diếp dẫn Đường Tăng xem khắp tên các bộ kinh một lượt, đoạn nói với Đường Tăng: Thánh tăng từ phương Đông tới đây, chắc có chút lễ vật gì biếu chúng tôi chăng? Mau đưa ra đây chúng tôi mới trao kinh cho.
Tam Tạng nghe xong nói: Đệ tử là Huyền Trang, vượt đường sá xa xôi, chẳng chuẩn bị được quà cáp gì cả.
Hai vị tôn giả cười nói: Hà! Hà! Tay trắng trao kinh truyền đời, người sau đến chết đói mất."
Khi xem qua bộ phim Tây Du Ký, chúng ta ai cũng thấy Đường Tam Tạng quý Bát vàng của mình như thế nào, khi bị A Nan, và Ca Diếp buộc phải đem Bát vàng ra để đổi lấy Chân kinh. Điều đó cũng làm cho không ít người trong chúng ta thắc mắc rằng: Tại sao hai đệ tử lớn của Đức Phật đó là A Nan và Ca Diếp đều là những bậc đã chứng quả A-la-hán, nghĩa là không còn cấu nhiễm các pháp của thế gian, vậy mà họ vẫn còn mang tâm niệm muốn tranh đoạt Bát vàng của Đường Tăng. Tại sao suốt cả cuộc hành trình về xứ Phật, ta thấy bao điều tốt đẹp của chư vị Bồ Tát, vậy mà đến tập cuối của bộ phim lại xuất hiện những hành vi như thế? Người xem cảm thấy bức xúc trước những hành vi có vẻ như làm mất đi sắc đẹp và bản chất của Phật giáo như vậy, âu cũng là điều dễ hiểu.
“Nhất bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vị sanh tử sự
Giáo hóa độ xuân thu”
Nghĩa là:
Một bát cơm nghìn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Chỉ vì việc sinh tử
Giáo hóa khắp xuân thu”.
Trong đời sống xuất gia Phật Pháp, Bình bát vốn là biểu tượng của nhà tu khất thực, là một trong những vật quý giá nhất của một vị Tỳ kheo. Theo giới luật nhà Phật, mỗi vị Tỳ kheo phải bảo vệ Bình bát giống như bảo vệ tròng mắt của mình vì Bình bát tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tinh khiết của một hành giả xuất gia. Bình bát còn tượng trưng cho tâm từ bi bao la rộng khắp đối với muôn loài. Nhưng ở đây. Bình bát của Đường Tăng là của vua Đường tặng cho ngự đệ kết nghĩa – đó chính là Tư tình. Bình bát ấy bằng vàng – một thứ kim loại quý hiếm – đó chính là Tư sản. Vì vậy, Bình bát của Đường Tăng trong tình huống này tượng trưng cho của cải, tình riêng và danh vọng ở thế gian.


Kết quả hình ảnh cho anan đưa đường tăng  kinh không có chữ
Để nhận kinh báu của Phật, thì buộc phải dâng nạp Bình bát là ngụ ý: muốn thọ lãnh đạo giải thoát của Phật, con người phải xuất gia, phải lìa bỏ danh vọng và của cải thế tục.


Hình ảnh có liên quan
Trở về với màn kịch, ta thấy bốn thầy trò Đường Tăng khi thỉnh được chân kinh nhưng cuối cùng là những mẩu giấy trắng, vì chân kinh đã bị A Nan và Ca Diếp trao đổi. Đứng trên bình diện khách quan, mọi người chúng ta khi xem qua bộ phim đều nghĩ chân kinh bị trao đổi vì sự tham lam của A Nan và Ca Diếp. Tuy nhiên, thẩm sâu vào ý nghĩa của bộ phim thì không phải như thế, mà nó chuyển tải một trí tuệ siêu việt của Phật giáo.

Tại sao kinh không có chữ? Kinh không chữ ở đây muốn nói lên, Tam Tạng chưa thâm nhập vào Phật tánh được vì vẫn còn bị các pháp của thế gian ràng buộc, nghĩa là còn nằm trong phạm trù đối dãi của trần tục, vẫn còn cho Bát vàng là quý, là kỉ vật của vua Đường ban tặng. Không buông xả các pháp thô hèn của thế gian, vẫn còn theo lối tư duy hữu ngã. 
Việc bốn thầy trò Đường Tăng lại bị nhận kinh không chữ, cũng như khi nhận được Chân kinh mà không hiểu giáo nghĩa của Chân kinh. Vì nhận được Chân kinh mà không truyền trao được giáo lý Phật Đà theo chánh pháp thì cũng như không nhận, không nhận thì cũng đồng nghĩ với việc nhận những trang giấy trắng mà thôi. A Nan và Ca Diếp không trao chân kinh cho bốn thầy trò Đường Tăng mà trao những trang giấy trắng là vì những lý do đó.
Nhưng với trách nhiệm của một người “Tác Như Lai Xứ, trì như lai tạng", nên A Nan và Ca Diếp đã không dừng lại ngang đó mà đã làm tròn trách nhiệm khai ngộ cho bốn thầy trò Đường tăng, bằng cách làm cho bốn thầy trò Đường Tăng không còn sở chấp, không chấp có mà cũng không chấp không, không còn vật giữ và cũng không còn vật để giữ. Điều này đã thể hiện qua sự trao đổi Bát vàng để đổi lấy Chân kinh. Chánh pháp là như vậy, buông xả bát vàng nghĩa là không còn bị ràng buộc của các pháp thế gian, đi sâu vào Phật tánh, thấy rõ được các pháp vốn là không từ đâu đến, tất cả đều là không, tướng cũng không mà tánh cũng không, Bát vàng cũng không, nên cũng không có sự trao đổi Chân kinh, mà là sự buông xả các pháp của Đường Tam Tạng và sự ngộ nhận chân lý đối với giáo lý Phật Đà. Đường Tam Tạng nhận được Chân kinh chính là sự giác ngộ của mình. Vấn đề trao đổi Chân kinh là như vậy.
 
Ngày xưa, khi Thái tử Cồ đàm ( là Phật Thích Ca lúc trẻ chưa thành Đạo) tìm đạo giải thoát, Ngài đã phải đánh đổi cả ngai vàng, vợ đẹp, con thơ, cả cuộc sống nhung lụa đế vương. Khi vua Trần Nhân Tông đi tìm đạo giải thoát cũng phải bỏ lại tất cả, ngai vàng, quyền lực, tam cung, lục viện... sau đó lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà) và tu hành, thì mới được người đời sau cung kính gọi là Phật Hoàng. Việc buộc Đường Tăng phải trao Bát vàng trước khi nhận kinh Phật là phương pháp áp dụng trực tiếp trong hoàn cảnh cụ thể của Đường Tăng, để diệt trừ Tư tình, diệt trừ Tư sản, loại bỏ mọi của cải và danh vọng của thế tục, diệt cái cội nguồn của tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến, chứ không phải là vấn đề tham lam, hay hối lộ gì ở nơi nước Phật.
Những người học Phật là những người cầu sự an lạc giải thoát thì nên lìa bỏ thú vị trên đời, sống bằng khẩu lệnh "tam thường bất túc" (Ăn-mặc-ngủ thường không nên đầy đủ). Chúng ta chẳng những không nên để kẹt trong ngũ dục của thế gian mà cần tập theo hạnh xả ly. Xả ly là một phương pháp tốt để đối trị lòng tham lam dù chỉ đơn thuần như ăn, mặc, ngủ.
NHỮNG TRIẾT LÝ CAO THÂM TRONG TÂY DU KÝ 


SƯU TẦM