Trong kinh điển của đạo Phật không thiếu hình ảnh hài hước, sống động của loài khỉ. Bộ Jataka, truyện tiền thân Đức Phật, kể về câu chuyện Đức Phật đã làm một con khỉ chúa và đem thân mình nối với sợi dây treo thành một chiếc cầu dây để cứu cả đàn thoát chết. Đó là hình ảnh thật cao đẹp mà trong một kiếp đời khỉ vượn, Ngài đã làm.
Năm xưa, khi thiền tọa dưới cội bồ đề, Đức Phật cũng đã được các loài vượn khỉ mang trái cây đến cúng dường.
Trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng của Trung Hoa, Tề Thiên Đại Thánh, đã được Ngô Thừa Ân phỏng tác theo bộ Đại Đường Tây Vực ký của Tam tạng Pháp sư Trần Huyền Trang, tác giả đã diễn tả hình ảnh của một con khỉ hết sức tài hoa, biểu hiện cá tính một cách sống động.
Nhưng con khỉ này là một hình ảnh triết lý, biểu trưng cho một dòng tâm thức luôn hoạt động liên tục không bao giờ biết dừng nghỉ. Duy Thức Tam Thập Tụng có bài kệ rằng:
“Ý thức thường hiện khởi
Trừ sinh vô tưởng thiên
Cập vô tâm nhị định
Thùy miên dữ muộn tuyệt”.
(Ý thức thường có mặt
Trừ sinh trời vô tưởng
Và hai định vô tâm
Ngủ say và chết giấc).
Chư vị Tổ sư nhận thấy loài khỉ lăng xăng, nhảy nhót nên mượn hình ảnh này sánh ví cho tâm thức của con người là “tâm viên, ý mã” (Tâm như con khỉ chuyền cành, ý sinh diệt liên tục như con ngựa dong ruổi ngoài đồng). Đó là hình ảnh so sánh ví von để cho những người tu hành biết nhược điểm của tâm mà điều phục cho được thuần hóa.
Đối với người Việt Nam, sự hài hước của khỉ được mọi người hình thành nên câu ca dao truyền miệng một cách quen thuộc của giới bình dân:
“Tuổi Thân con khỉ lao chao
Nhảy qua nhảy lại té ào xuống mương”.
Hay
“Tuổi Thân con khỉ ăn bần
Chuyền qua chuyền lại té ùm xuống sông”.
Đó là hình ảnh con khỉ được dân gian hóa bằng những câu ca dao vui đùa hóm hỉnh.
Đặc biệt con khỉ trong dân gian còn được thể hiện qua một sản phẩm trưng bày, đó là hình ảnh ba con khỉ. Mỗi con thể hiện một phong cách: con thì bịt tai, con bịt mắt và con thì bịt miệng. Nó được làm bằng sành sứ hay đúc bằng đồng. Đó là một hình ảnh gợi cảm vừa mang tính giáo dục vừa mang tính triết lý sống trong cuôốc đời.
Người xưa có bài thơ rằng:
“Ăn ở sao cho trải sự đời
Vừa lòng cũng khó há rằng chơi
Nghe như chọc ruột tai làm điếc
Giận dẫu căm gan miệng mỉm cười”.
Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt góp nên bài học cho hâốu thế. Dẫu không phải là một giải pháp tốt nhất, nhưng ít ra nó cũng giúp mọi người tập cho mình có thói quen nhẫn nhịn để giữ được thái độ hòa khí trong giao tiếp chuyện trò hoặc quan hệ công việc với người khác. Khi giận, chúng ta tuôn lời ra cho hả dạ hay nghe một câu nói trái tai liền gây mất hòa khí thì chẳng còn tình nghĩa. Trong giao tiếp, điều đó thật vô cùng tối kỵ vì nó chẳng lưu lại một sự tao nhã nào để gây ấn tượng tốt đẹp.
Vì vậy, hình ảnh con khỉ bịt tai, không có nghĩa là không nghe gì cả, nhưng nó cảnh báo rằng, chuyện đời chẳng phải là dễ nghe. Mọi người ai cũng muốn nói điều gì cho mình có lợi và hay dùng lời tọc mạch để đâm thọc người này, bêu xấu người kia, luôn nhìn sự sai quấy ở khắp mọi người. Cho nên bịt tai là không nghe những chuyện thị phi làm bận lòng mình, lại không khéo gây phiền hà đến người khác.
Con khỉ thứ hai là bịt mắt. Bịt mắt là để đừng nhìn đời bằng con mắt thiển cận hay thành kiến.
Khi thành kiến với ai thì chúng ta không thể nhìn đúng được sự thật về người đó, dẫn đến đánh giá sai vấn đề. Vì quá nhạy cảm với công việc của người khác mà mình không hài lòng, chúng ta vội chen miệng vào gây thêm phiền phức. Người đời từng nói “việc chưa xong chưa vội kết luận”. Cho nên chúng ta là người bàng quan đừng vội vã khi thấy một điều gì đó mà mình chưa xem xét kỹ càng, rồi lại tham gia tranh luận hơn thiệt là không đúng.
Hình ảnh con khỉ thứ ba là bịt miệng. Miệng là một cơ quan vô cùng quan trọng trong việc giao tế và thông tin. Nhờ có cái miệng mà chúng ta trao đổi hiểu biết cũng như mọi nhu cầu khác trong cuộc sống đời thường. Nhưng miệng cũng gây không ít phiền toái. Cổ ngôn nói rằng: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”. Như vậy, chẳng lẽ chúng ta không nói và một nhu cầu tất yếu là ăn mà cũng không ăn? Nhưng những lời răn ấy cần cho chúng ta suy nghĩ, để mỗi khi nói điều gì không đem họa đến cho mình và người, ăn những món nào không gây ảnh hưởng đến sức khỏe, bệnh tật.
Cho nên người đời hay nhắc nhở nhau: “Người ít nói không phải là người nói ít mà đừng nên nói những gì vô ích”.
Qua hình ảnh ba con khỉ, chúng ta còn thấy đây là một pháp tu thâm diệu của nhà Phật được trình bày trong kinh Lăng Nghiêm. Đó chính là pháp tu viên thông của chư vị Thánh đệ tử. Ngài A Na Luật tu pháp môn nhãn căn viên thông. Ông Kiều Phạm Ba Đề vì bị khẩu nghiệp nặng nề nên tu pháp môn nhất vị thanh tịnh tâm địa.
Tóm lại, khỉ là một loài động vật quen thuộc và cũng rất dễ gây thiện cảm với mọi người. Loài khỉ cũng đã từng đem lại cho chúng ta nụ cười sảng khoái.
Người mang tuổi khỉ đừng nghĩ năm Thân sẽ bị “lao chao” để “tẻ nhào” như khỉ rồi ngần ngại trên con đường công danh sự nghiệp. Bởi vì loài khỉ hiền lành, sống rất thân thiện với mọi người, đem nụ cười hạnh phúc đến cho mọi người thì không lý do gì người không mang hạnh phúc lại cho nó.
Biểu tượng của ba con khỉ là một bài học lớn để có một năm mới bình yên, chẳng những một năm mà cả một đời người, sống an lạc tự tại giữa lòng xã hội vốn đa dạng và phức tạp này.
Đối với người học Phật, ba con khỉ đó lại là một phương pháp tu tập viên thông cho hành giả muốn thâm nhập vào Phật trí. Tất cả chúng ta sẽ tận hưởng một năm mới, năm Giáp Thân an vui hạnh phúc và đầy hứa hẹn.
SƯU TẦM
Chúc bạn một năm con khỉ an vui, tốt đẹp
Trả lờiXóaDạ, em cảm ơn anh! Em cũng chúc anh và gia đình năm mới an vui, thành công và hạnh phúc ạ!
Xóa